Cổ phiếu của tập đoàn bất động sản có trụ sở tại Thâm Quyến đã giảm 87% khi mở cửa phiên giao dịch hôm 28.8.
Vào ngày 28.8, China Evergrande Group (China Evergrande) chính thức giao dịch trở lại trên sàn chứng khoán sau 17 tháng bị đình chỉ, với nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ bán cổ phiếu của tập đoàn bất động sản này.
Cổ phiếu của tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến đã giảm mạnh 87% khi mở cửa phiên giao dịch hôm 28.8 và trở thành cổ phiếu penny. China Evergrande vẫn đang phải gánh khoản nợ khổng lồ, cũng như báo cáo thua lỗ nặng khi thị trường bất động sản của Trung Quốc tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng.
Theo báo cáo sơ bộ cho năm 2023, công bố trước thời điểm China Evergrande giao dịch trở lại một ngày, công ty của tỉ phú Hứa Gia Ấn cho biết tổng số nợ phải trả là 2.400 tỉ nhân dân tệ (327 tỉ USD). Trong nửa đầu năm 2023, China Evergrande báo lỗ 5,4 tỉ USD, doanh thu đạt 17,6 tỉ USD.
Gần đây, China Evergrande đã thực hiện đầy đủ hướng dẫn tiếp tục hoạt động do sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) ban hành, bao gồm công bố ba báo cáo tài chính và tăng cường kiểm soát nội bộ để nộp đơn xin tiếp tục giao dịch cổ phiếu.
Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là China Evergrande có đủ sự đồng thuận từ các chủ nợ nước ngoài đối với kế hoạch tái cơ cấu nợ mà công ty đưa ra hồi tháng 3.2023 hay không.
Theo hồ sơ đệ trình lên sàn chứng khoán hôm 28.8, China Evergrande đã hoãn phiên họp để tiến hành biểu quyết giữa các chủ nợ cho kế hoạch tái cơ cấu nợ của tập đoàn bất động sản này, ban đầu dự định thực hiện vào tối ngày 28.8 (giờ Hong Kong). Công ty cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu sau khi giao dịch cổ phiếu trở lại, yếu tố mới để các chủ nợ xem xét kế hoạch tái cơ cấu.
Hồi tháng 4.2023, China Evergrande cho biết 77% nhóm trái chủ hạng A đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu nợ. Trong khi đó, công ty chỉ có sự ủng hộ từ 30% trái chủ hạng C. China Evergrande cần có sự đồng thuận từ ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm để thực hiện một trong những đợt tái cơ cấu lớn nhất tại Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.
China Evergrande đã nhiều lần tạm hoãn những đợt biểu quyết cho kế hoạch tái cơ cấu nợ, với công ty cho biết điều này sẽ giúp các chủ nợ có thêm thời gian để cân nhắc đề xuất này.
Các chủ nợ có lựa chọn chuyển đổi trái phiếu cũ thành trái phiếu mới có thời hạn lên đến 12 năm hoặc cổ phần trong những công ty con như hãng xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group (Evergrande NEV), và Evergrande Property Services cung cấp dịch vụ bất động sản.
Trước đó, các nhà phân tích từng nhận định rằng mảng xe điện có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho China Evergrande so với các hoạt động kinh doanh khác. Vào giữa tháng 8.2023, Evergrande NEV thông báo đã nhận về khoản đầu tư trị giá gần 500 triệu USD từ hãng xe NWTN có trụ sở tại Dubai.
China Evergrande vừa qua đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 của Luật Phá sản Mỹ, động thái giúp công ty có thêm thời gian và sự bảo vệ cần thiết cho tài sản ở Mỹ để hoàn tất quá trình tái cơ cấu nợ. China Evergrande đã chính thức vỡ nợ từ tháng 12.2021.
Trong hồ sơ chứng khoán, China Evergrande cho biết đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ trong nước để gia hạn thanh toán lãi vay, đồng thời tìm kiếm những khoản vay mới để hoàn thiện và đảm bảo bàn giao đầy đủ căn hộ mà công ty đã mở bán trước đó. Vào tháng 3.2023, China Evergrande ước tính cần thêm từ 34-44 tỉ USD để hoàn thành các dự án bất động sản.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/co-phieu-cua-china-evergrande-giam-gan-90-khi-giao-dich-tro-lai)
11 tháng trước
Tòa án Hong Kong ra lệnh giải thể China Evergrande Group