Việt Nam tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn cho kế hoạch đầu tư, sản xuất hoặc mở rộng kinh doanh. Song vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Giữa tháng 5.2022, Pandora công bố thông tin đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam với cứ điểm trong khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 ở tỉnh Bình Dương. Đây là cơ sở sản xuất thứ ba của Pandora đồng thời là cơ sở sản xuất đầu tiên được xây dựng ngoài Thái Lan.
Ông Jeerasage Puranasamriddhi, giám đốc chuỗi cung ứng Pandora cho biết, doanh nghiệp này đã tìm hiểu rất nhiều nơi trên thế giới trước khi quyết định chọn Việt Nam và cụ thể là tỉnh Bình Dương làm cơ sở sản xuất tiếp theo. Tỉnh này được đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động đông đảo.
Tuy nhiên, kế hoạch của họ bị ảnh hưởng từ diễn tiến của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chiến sự Nga- Ukraine, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia… làm thay đổi xu hướng luân chuyển của dòng vốn toàn cầu. Một ví dụ có thể thấy trong một năm trở lại đây là lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc gia tăng trở lại sau thời gian dài sụt giảm.
Liệu nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước xu hướng này?
Là phó chủ tịch Warburg Pincus, quỹ có hơn 30 năm đầu tư tại Trung Quốc và quan sát những thăng trầm của thị trường, ông Pao Jirakulpattana đánh giá, dù dòng vốn đang quay lại Trung Quốc nhưng ASEAN mới là khu vực thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Mối quan tâm đầu tư vào ASEAN càng tăng lên sau Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ.
“Việt Nam đang làm rất tốt trong hút vốn đầu tư, phân theo từng ngành như điện, điện tử ở phía Bắc với tốc độ tăng trưởng hiện tốt nhất khu vực, tuy nhiên về dài hạn Việt Nam không thể thu hút vốn vào các ngành thâm dụng lao động mà cần chọn phát triển ngành kinh tế trọng điểm, đồng thời hình thành hệ sinh thái,” ông Pao Jirakulpattana chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp 2022, do báo Đầu tư và công ty BW Industrial đồng tổ chức ngày 24.5.
Còn theo ông Bruno Jaspaert, tổng giám đốc tổ hợp khu công nghiệp Deep C, Việt Nam không nhất thiết phải nghĩ đến việc cạnh tranh thu hút vốn với Trung Quốc. Vị này quan sát, một số doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc song cũng có nhà đầu tư mới sẵn sàng tham gia vào thị trường này.
“Họ vẫn là công xưởng của thế giới. Việt Nam nên tập trung vào định giá đúng tài sản, nhìn rõ sự thiếu hụt hiện không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là dịch vụ logistics,” ông Bruno nói.
Số liệu của bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Việt Nam vẫn là quốc gia nổi bật trên bản đồ thu hút FDI, với hơn 31 tỉ USD trong năm ngoái, tăng hơn 9% so với năm 2020. Trong bốn tháng đầu năm nay, đã có 10,8 tỉ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là gần 5,3 tỉ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn vốn FDI đã trở thành yếu tố thúc đẩy lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Việt Nam phát triển. Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam quan sát trong năm năm qua, đã có sự chuyển dịch nguồn vốn FDI từ bất động sản nhà ở sang phát triển bất động sản công nghiệp, với năm tỉnh, thành phố thu hút vốn mạnh mẽ nhất gồm TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương và Bắc Ninh.
“Nếu các nhà đầu tư đã một lần bỏ vốn vào Việt Nam, họ sẽ muốn tăng vốn. Ví dụ khi chưa giải ngân hết quỹ I cho phát triển bất động sản nhà ở hoặc bất động sản công nghiệp, các quỹ đã tiếp tục huy động vốn cho các quỹ mới nhằm tiếp tục đầu tư vào Việt Nam,” bà Trang nói và đánh giá, các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực này như TBS, Tín Nghĩa đang vươn lên mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh với nhà phát triển bất động sản công nghiệp nước ngoài như BW Industrial, Mapletree…
Cạnh tranh thu hút vốn FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Để duy trì sức hút với các nhà đầu tư cho kế hoạch kinh doanh dài hạn tại Việt Nam, còn một số điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Là quỹ đang quản lý hơn 64 tỉ USD tài sản vốn cổ phần tư nhân, Việt Nam là thị trường đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus, sau Trung Quốc và Ấn Độ, với các thương vụ điển hình với Vingroup, VinaCapital, Techcombank, Becamex, MoMo…
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng được kỳ vọng cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo ngân hàng Phát triển châu Á, khoảng 5,8% tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam được chi cho phát triển cơ sở hạ tầng và đây là mức cao nhất Đông Nam Á. Dù vậy, việc phát triển hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ và xuyên suốt vẫn chưa thể đạt được. Nhiều dự án hạ tầng đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thiếu hụt nguồn vốn.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư còn “đặt lên bàn cân” hàng loạt yếu tố khác có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh như lực lượng lao động, nguồn năng lượng…
Ông Bruno Jaspaert cho rằng Việt Nam cần phải có cách khác so với các nước trong hút vốn đầu tư. “Khi hình thành được môi trường sống thu hút mọi người đến sinh sống, làm việc, nguồn vốn đầu tư từ các nước sẽ theo sau đó mà xuất hiện,” ông gợi ý.
Đại diện bộ Kế hoạch và Đầu tư, thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới. Để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới, quá trình hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được thực hiện.
Điều này nhằm thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trước xu hướng phát triển xanh với các cam kết giảm phát thải khí carbon đạt mức bằng 0 vào năm 2050.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/chuan-bi-don-lan-song-dich-chuyen-dau-tu-moi)