Kinh doanh

Chính phủ thành lập hai Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng

2 ngày trước
Tác giả Minh Thiên

Các trung tâm tài chính này sẽ là động lực mới cho kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng hai con số.

Share
this:

Ngày 4.1.2025, Chính phủ công bố nghị quyết về kế hoạch thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Tại TP.HCM, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ đặt tại Thủ Thiêm, còn tại Đà Nẵng, Trung tâm tài chính khu vực sẽ tọa lạc tại Sơn Trà.

Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Ảnh: MT

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư TP.HCM, cho biết Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ tập trung các công ty chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm, mà còn là cầu nối giữa kinh tế, tài chính toàn cầu, thu hút vốn cho đổi mới sáng tạo và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Đà Nẵng, tiết lộ ngoài 6 hecta đất ven biển cho trung tâm tài chính đã được Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng còn quy hoạch gần 50 hecta để xây dựng phố tài chính.

Ngày 16.1.2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu chủ trương phát triển trung tâm tài chính, tham vấn ý kiến các tổ chức tài chính và luật pháp. Đây là bước khởi đầu để tìm kiếm các giải pháp xây dựng mô hình Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố biển.

Đặc biệt, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng sẽ theo hướng tài chính xanh, kết nối với hạ tầng du lịch để tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng ban chỉ đạo liên ngành thành lập các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, khẳng định các trung tâm này sẽ là “động lực tăng trưởng mới” cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên tăng trưởng nhanh ở mức hai con số sắp tới, ngoài các động lực truyền thống.

Bên cạnh chuẩn bị của các cơ quan về xây dựng các khung chính sách cho các trung tâm tài chính này, còn đi kèm với các giải pháp về an ninh tiền tệ, giải quyết tranh chấp quốc tế và chuẩn bị hạ tầng số.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận còn đề cập đến việc nghiên cứu các phương thức quản lý tiền số, xác định tài sản tiền mã hóa (crypto), hiện vốn vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh tại Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, những nỗ lực đầu tiên của hai trung tâm tài chính này có thể được nhìn thấy trong khoảng từ hai tới ba năm tới.

Trung tâm tài chính Singapore. Ảnh: cfi.co

Các trung tâm tài chính quốc tế nổi bật:

  1. Singapore: Là trung tâm tài chính lớn thứ tư thế giới, sau New York, London và Hồng Kông (Trung Quốc), với hơn 4.000 công ty Trung Quốc chọn đây làm bệ phóng vào Đông Nam Á. Chính phủ Singapore hỗ trợ mạnh mẽ các sáng kiến fintech.
  2. Thượng Hải (Lujiazui, Quận Pudong): Trung tâm tài chính lớn nhất Trung Quốc, với Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) là một trong những sàn giao dịch lớn nhất và phát triển nhanh chóng ở châu Á.
  3. Hồng Kông (Trung Quốc): Một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX) thu hút nhiều công ty quốc tế nhờ môi trường pháp lý và thuế hấp dẫn.
  4. Dubai (DIFC): Là trung tâm tài chính quan trọng của Trung Đông, là cửa ngõ đầu tư vào khu vực Trung Đông, Nam Á và Châu Phi. Trung tâm tài chính này phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ tài chính và đổi mới sáng tạo.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/chinh-phu-thanh-lap-hai-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-va-khu-vuc-tai-tp-hcm-va-da-nang)