Cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố các chỉ số quan trọng trong tháng 11, cho thấy nền kinh tế vẫn chật vật để tăng trưởng, dù nhiều biện pháp kích thích đã được đưa ra từ tháng 9.
Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng đã tăng 3% trong tháng 11. Đây là điều khá tích cực, nhưng lại giảm so với con số 4,8% của tháng 10. Trong số này, doanh số bán mỹ phẩm giảm mạnh 26,4%, so với mức tăng 40,1% trong tháng 10. Các mặt hàng khác như ô tô và đồ gia dụng, được hưởng lợi từ chương trình của Chính phủ khuyến khích đổi hàng cũ lấy hàng mới, tăng tương đối tốt với con số lần lượt 6,6% và 22,2%.
Sản lượng hàng công nghiệp tăng 5,4%, cao hơn con số 5,3% trong tháng 10.
Trong 11 tháng đầu năm, đầu tư vào tài sản cố định như cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghệ cao tăng 3,3%, thấp hơn mức dự báo là 3,5%. Đầu tư bất động sản trong cùng giai đoạn giảm 10,4%.
Một quan chức Cục Thống kê cho biết: “Mặc dù một số dữ liệu tháng 11 giảm do yếu tố ngắn hạn, các chỉ số chính của quý 4 tốt hơn đáng kể so với quý 3. Đà phục hồi kinh tế không thay đổi. Đánh giá tình hình cả năm, mục tiêu chính về phát triển kinh tế xã hội dự kiến sẽ thành công.”
Quan chức này nhắc lại lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói tuần trước với các doanh nghiệp nước ngoài, rằng cả hệ thống tự tin sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% GDP trong năm 2024.
Hiện nay, khó khăn của thị trường bất động sản và áp lực giảm phát đang cản trở tăng trưởng tại nền kinh tế số 2 thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 chỉ tăng 0,2%, mức thấp nhất trong 5 tháng qua.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nói: “Một số dữ liệu chậm lại trong tháng 11 chỉ là tạm thời. Chúng tôi tin rằng, các chỉ số sẽ tăng trong những tháng tới, khi chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy hiệu quả.”
Hiện ngoài thách thức trong nước, Trung Quốc còn đối mặt khả năng xung đột thương mại với Mỹ leo thang dưới thời ông Trump nhiệm kỳ 2. Tháng 11.2024, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 8%. Các nhà xuất nhập khẩu vội vã giao hàng trước khi ông Trump nhậm chức.
Ông Evans-Pritchard cảnh báo, sự cải thiện do chính sách kích thích có thể không kéo dài, vì ảnh hưởng bởi cảnh báo áp thuế của ông Trump, khiến xuất khẩu giảm.
Một số nhà kinh tế kêu gọi Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ nhiều hơn, để đẩy mạnh tăng trưởng.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, dữ liệu tháng 11 cho thấy nhu cầu trong nước còn yếu, cần nới lỏng chính sách hơn nữa để bù đắp. Tuy vậy, tăng trưởng GDP cả năm 2024 đang tiến gần đến mục tiêu 5%.
Tuần trước, Bộ Chính trị Trung Quốc họp bàn về các vấn đề kinh tế, cam kết thực hiện chính sách vĩ mô chủ động hơn, cũng như mở rộng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay vì tập trung vào đầu tư như trước đây.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/buc-tranh-kinh-te-trung-quoc-thang-11-chua-nhieu-gam-mau-khac-nhau)
2 năm trước
Những thành phố ở Hoa Kỳ có giá nhà giảm nhanh