Tài chính

Áp lực tài chính đè nặng, Indonesia cải tổ loạt ngân hàng quốc doanh

Ba ngân hàng nhà nước lớn nhất Indonesia đang chứng kiến cuộc cải tổ lớn về đội ngũ lãnh đạo, với 2 CEO mới được bổ nhiệm cùng hàng chục giám đốc và ủy viên bị thay thế.

Share
this:

Chính phủ giải thích động thái nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý. Trước đó thị trường tài chính Indonesia đã rơi vào bất ổn, khi đồng rupiad nội tệ sụt giảm giá trị và cổ phiếu của 3 ngân hàng đi xuống không phanh. Điều này khiến thị trường chứng khoán Jakarta tạm ngừng giao dịch trong thời gian ngắn.

Đồng rupiah đang giảm giá khiến giới chức Indonesia lo ngại. Ảnh: CNBC.
Đồng rupiah đang giảm giá trị nghiêm trọng. Ảnh: CNBC.

Bank Rakyat Indonesia (BRI), Bank Mandiri và Bank Negara Indonesia (BNI) thường chứng kiến quá trình cải tổ 3 đến 4 năm 1 lần theo nhiệm kỳ. Tuy nhiên lần cải tổ này xuất phát từ thực tế khó khăn. Cổ phiếu 3 ngân hàng lần lượt giảm 15,8%, 27,5% và 25% từ khi Tổng thống Prabowo Subianto nhậm chức tháng 10.2024.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của ông Prabowo đã kìm hãm hoạt động của khối ngân hàng, khi đặt tất cả dưới sự kiểm soát của 1 quỹ đầu tư quốc gia mới thành lập tên là Danantara.

Khi quỹ này ra mắt tháng 2.2025, dẫn tới 1 đợt bán tháo cổ phiếu khối ngân hàng, do nhà đầu tư nước ngoài lo ngại chính phủ có thể can thiệp sâu hơn vào hoạt động. Chính phủ ép khối ngân hàng xóa nợ xấu cho hàng loạt doanh nghiệp, cũng gửi tín hiệu tiêu cực đến thị trường.

Tổng thống Prabowo bác bỏ các lo ngại. Ông nói: “Giá cổ phiếu có thể tăng, có thể giảm, nhưng nếu lương thực được bảo đảm, thì quốc gia vẫn an toàn.”

Động thái bổ nhiệm nhân sự mới, dường như góp phần vào tâm lý tích cực của thị trường. BRI là công ty lớn thứ 5 Indonesia theo vốn hóa thị trường, với tài sản ròng khoảng 120 tỷ USD. Ngân hàng này đã thay chủ tịch kiêm tổng giám đốc, cùng với 10/13 thành viên ban giám đốc.

Lãnh đạo mới là ông Hery Gunardi, người từng dẫn dắt nhà băng Syariah Indonesia (BSI) thuộc sở hữu quốc doanh, cũng là ngân hàng Hồi giáo lớn nhất đất nước theo tài sản.

BNI có tài sản ròng 68,15 tỷ USD tính đến cuối năm 2024. Chủ tịch kiêm tổng giám đốc bị thay thế. Lãnh đạo mới là ông Putrama Wahju Setyawan, cấp phó của người tiền nhiệm. Một nửa hội đồng quản trị cũng mất ghế. Tương tự là danh sách ủy viên và ban giám sát điều hành.

Bộ trưởng phụ trách điều phối kinh tế Airlangga Hartarto nêu lý do: “Tổng thống đã chỉ đạo, số lượng ủy viên nên ít hơn và chỉ gồm những người chuyên nghiệp.”

Một số nhà phân tích cho rằng, thay thế là động thái tích cực. Ông Angus Mackintosh, người sáng lập CrossASEAN Research chia sẻ: “Các ngân hàng quốc doanh hoạt động khá tốt nếu xét đến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. BRI gặp nhiều vấn đề trong 2 năm qua, với các khoản vay ở phân khúc vĩ mô. Nhưng ngân hàng khác chứng kiến chi phí tín dụng giảm. Động thái của chính phủ nhằm chuyên nghiệp hóa, là chất xúc tác tích cực.”

Một số tổ chức cũng bày tỏ quan điểm tương tự. JPMorgan đã tăng xếp hạng của BRI và BIN, từ “trung bình” lên “trung bình tích cực”. Mandirin thì từ “trung bình tiêu cực” lên “trung bình”.

Ông Harsh Wardhan Modi, nhà phân tích từ Investment Bank nói: “Sự điều chỉnh gần đây chỉ ra phản ứng của thị trường với bất ổn vĩ mô lẫn dòng vốn nước ngoài chảy ra. Tuy nhiên, nền tảng tài chính ngân hàng của Indonesia vẫn mạnh, với lợi nhuận cạnh tranh.”

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ap-luc-tai-chinh-de-nang-indonesia-cai-to-loat-ngan-hang-quoc-doanh)