Thị Trường

Vương quốc Anh muốn làm mới quan hệ thương mại với EU

7 giờ trước
Nguồn: Reuters

Vương quốc Anh đang nỗ lực thiết lập lại quan hệ với liên minh châu Âu (EU), trọng tâm là gắn kết thương mại và quốc phòng, nhằm giúp 2 bên phát triển kinh tế lẫn tăng cường an ninh.

Share
this:

Thủ tướng Keir Starmer, người trước đây ủng hộ Anh ở lại EU, đang hướng chính sách đối ngoại của London về lục địa già, từ sau vụ “ly hôn Brexit” đầy căng thẳng.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Tổng thống Pháp Macron đã thiết lập mối quan hệ gần gũi. Ảnh: Telegraph

Ông Starmer lập luận, thế giới đã thay đổi từ khi Brexit năm 2020. Anh và EU cần mở ra trang mới trong quan hệ, trước mắt giúp những công ty quốc phòng của Anh có thể tham gia gói thầu 167 tỷ USD, nhằm tái vũ trang cho châu Âu.

Từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thay đổi quan điểm của Washington về cuộc xung đột Ukraine, cũng như giảm cam kết bảo vệ an ninh châu Âu, nhiều ý kiến trong nội bộ EU đã cổ vũ mạnh mẽ cho ý tưởng tự cường, cả kinh tế lẫn quốc phòng.

Vương quốc Anh vừa đạt thỏa thuận thương mại toàn diện với Ấn Độ, để giảm thiệt hại trong trường hợp căng thẳng thuế quan với Hoa Kỳ dai dẳng. EU cũng đang đàm phán hiệp định tương tự với Ấn Độ, để khai thác thị trường 1,4 tỷ dân. Ngoài ra, khối còn đẩy mạnh tương tác với Canada, Úc, Nhật Bản và Singapore.

Ngày 19.5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã có mặt tại London. Một nhà ngoại giao EU nói rằng, sẽ không có thông tin nào được chia sẻ, cho đến khi đàm phán kết thúc.

Trong số vấn đề thương thảo, Anh hy vọng EU giảm kiểm tra với thực phẩm và nông sản tại biên giới. Ngoài ra, London mong muốn liên minh châu Âu thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại sân bay nhanh hơn, với công dân xứ sở xương mù.

Đáp lại, Anh sẽ đồng ý một số sáng kiến tự do đi lại của thanh thiếu niên EU, và cân nhắc tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus. Pháp cũng muốn có thỏa thuận dài hạn về quyền đánh bắt cá tại những vùng biển chồng lấn. Đây là mâu thuẫn dai dẳng nhất thời kỳ hậu Brexit giữa 2 bên.

Theo giới quan sát, khi bỏ phiếu rời EU năm 2016, vương quốc Anh bị chia rẽ về mọi thứ, như chính sách di cư, chủ quyền, quyền lực, văn hóa và thương mại. Điều này cũng mở đầu giai đoạn bất ổn chính trị, với 5 thủ tướng nối tiếp nhau cho đến khi ông Starmer nhậm chức tháng 7 năm ngoái. Ngoài ra, quan hệ Anh – EU rạn nứt nghiêm trọng.

Nhiều cuộc thăm dò gần đây chỉ ra, phần lớn người Anh hối hận vì ra khỏi EU. Hiện tại, 2 bên chia sẻ quan điểm ủng hộ Ukraine, cộng với trước đó Thủ tướng Starmer phản đối Brexit, đã giúp Anh và EU tìm được tiếng nói chung, cũng như có sự gắn kết nhất định.

Dù Thủ tướng Starmer cam kết khi tranh cử là không tái gia nhập thị trường chung hoặc liên minh thuế quan với EU, nhưng ông muốn tiếp cận thị trường tốt hơn ở một số lĩnh vực nhất định, ví dụ thực phẩm. Điều này sẽ giúp nền kinh tế đang trì trệ của Anh được cải thiện.

Một chuyên gia thương mại từng tư vấn cho cả Anh và EU nhận xét, London nên chấp nhận các quy tắc của EU, để nông dân và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường khổng lồ châu Âu dễ dàng hơn. Khi nền kinh tế đang ảm đạm, bất kỳ bước đi nào thúc đẩy buôn bán với đối tác, đều rất hữu ích.

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/vuong-quoc-anh-muon-lam-moi-quan-he-thuong-mai-voi-eu)