Theo Nikkei Asia, khu vực công lẫn tư của Trung Quốc đang tăng tốc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trước viễn cảnh căng thẳng tăng cao trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump.
Ông Wang Shijiang, quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin phát biểu ngày 18.11 tại triển lãm IC China ở Bắc Kinh: “Năng lực cung cấp sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể. Nhiều công ty có đủ sức cạnh tranh.”
Doanh nhân Chen Nanxiang, chủ tịch nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu Yangtze Memory Technologies (YMTC) thì cảnh báo về những thay đổi và rủi ro, trước việc Hoa Kỳ siết chặt quy định liên quan đến lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ông khẳng định, cả ngành sẽ hợp tác như nhóm thống nhất, để giải quyết thách thức.
YMTC là 1 trong 500 công ty tham gia triển lãm IC China chuyên về bán dẫn và công nghệ cao. Ngoài ra còn có Huawei Technologies, gã khổng lồ phần cứng viễn thông.
Thời gian qua, Trung Quốc nỗ lực phát triển ngành bán dẫn, trong bối cảnh cạnh tranh với Hoa Kỳ không ngừng phức tạp. Ban đầu họ tập trung vào những sản phẩm không đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Theo công ty nghiên cứu TechInsights của Canada, tỷ lệ tự cung tự cấp của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, đã tăng từ 14% năm 2014, lên 23% năm 2023 và dự kiến đạt 27% năm 2027.
Quỹ đầu tư cho ngành công nghiệp vi mạch tích hợp do nhà nước đứng sau, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng này. Quỹ lần đầu triển khai năm 2014, với số vốn đăng ký 19,2 tỷ USD. Giai đoạn 2 năm 2019, số vốn đăng ký là 28 tỷ USD. Giai đoạn 3 vào tháng 5.2024, số vốn đăng ký là 47 tỷ USD.
Những năm qua quỹ đã mở rộng trọng tâm sang toàn bộ chuỗi cung ứng, nhất là thiết bị và vật liệu, vốn là điểm yếu của Trung Quốc. Quỹ trực tiếp giúp phát triển một số công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip, như Naura Technology Group.
Quỹ cũng bơm vốn đến một số công ty như YMTC hay SMIC – đơn vị đang cung cấp chip 7 nanomet tiên tiến cho Huawei.
Theo công ty nghiên cứu Wind, khối doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 20%. Ông Zhao Haijun, giám đốc điều hành SMIC nói rằng, thành công của công ty nhờ sự quan tâm ngày càng nhiều của nhà nước với sản xuất nội địa.
Hiện nay, theo một số nguồn tin, ngành chip và bán dẫn của Trung Quốc đang chuẩn bị cho khả năng chiến tranh thương mại với Mỹ tăng cao dưới thời ông Trump. Ví dụ chip tiên tiến từ Mỹ và đồng minh sẽ bị hạn chế xuất khẩu tới Trung Quốc hơn. Ngoài ra, chip giá rẻ từ Trung Quốc sẽ chịu thêm thuế khi bán vào Hoa Kỳ.
Nhiều công ty Trung Quốc đang tích trữ chip tiên tiến từ Hàn Quốc và những nơi khác, nhất là các loại dùng trong hệ thống trí tuệ nhân tạo. Theo AskCI Consulting, 10 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu chip tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, và vẫn đang tăng trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, một số công ty vẫn tin tưởng vào tiến bộ công nghệ của sản phẩm nội.
Ông Yuan Yipei, Giám đốc Sino IC Leasing nói: “Chuỗi cung ứng bán dẫn của Trung Quốc đã phát triển từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Nhiều doanh nghiệp hiện có thể xử lý quy trình 7 nanomet và tôi tự tin về tương lai.”
Những hạn chế của Hoa Kỳ thời gian qua, đã ngăn Trung Quốc nhập khẩu thiết bị quang khắc cực tím, rất cần thiết để sản xuất chip. Nhưng giới doanh nghiệp của đất nước tỷ dân đã nỗ lực tìm giải pháp. Một nhà phân tích cho biết, cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc tăng nhiệt, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và đi lên của các công ty Trung Quốc trong thời gian dài.
Theo một số nghiên cứu, thị trường chất bán dẫn Trung Quốc dự kiến đạt 200 tỷ USD năm 2027. Trong khi các công ty nước ngoài đang khai thác thị trường khổng lồ này, họ cũng phải chật vật để cạnh tranh với những tập đoàn nội địa ngày càng nổi lên mạnh mẽ, tương tự như một số lĩnh vực khác, điển hình là xe điện.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/trung-quoc-tang-toc-phat-trien-chip-noi-dia-truoc-nguy-co-cang-thang-thuong-mai)
2 năm trước
Những hạn chế đi lại ở các nước trong tháng 93 năm trước
Mạng xã hội LinkedIn rời thị trường Trung Quốc