Kinh doanh

Tác động thuế quan lên xuất khẩu Việt Nam: Mỹ tăng, các thị trường khác quay đầu trong tháng 4

3 tuần trước
Tác giả Minh Tâm

Sự sụt giảm xuất khẩu tại nhiều thị trường trong tháng 4 đã kéo kim ngạch chung của Việt Nam đi xuống.

Share
this:

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4.2025 ước đạt 37,4 tỷ USD. Dù vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước, con số này đã giảm gần 3% so với tháng trước — thời điểm chưa có thông tin về việc áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam.

Điều đáng chú ý là sự sụt giảm trong tháng 4 chủ yếu đến từ phần lớn các thị trường, trong khi Hoa Kỳ — quốc gia đang xem xét áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam — lại ghi nhận giá trị xuất khẩu từ Việt Nam tăng. Cụ thể, các thị trường giảm bao gồm EU, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (thuộc Trung Quốc)…

Ngược lại, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam tăng lại là những điểm đến xa hơn như Nam Phi, Argentina, Mexico, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ… Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng ghi nhận mức tăng gần 1,5% trong kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Tính toán cho thấy, trong 41 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, có tới 26 thị trường ghi nhận sụt giảm, trong khi chỉ 15 thị trường có giá trị xuất khẩu tăng. Việc nhiều thị trường cắt giảm nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đã dẫn đến mức giảm 3% kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4.2025 so với tháng trước đó.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 140,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 3.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng với 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam với mức thuế lên tới tới 46%, áp dụng từ 9.4. Sau đó, Nhà Trắng ra thông báo hoãn áp thuế 90 ngày. Trước và sau khi có những thông tin này, hoạt động xuất khẩu đã có những điều chỉnh, nhất là ở những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đến Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, trong nửa cuối tháng 3 (từ 15 -31.3.2-25), Việt Nam đã lập kỷ lục về trị giá hàng hóa xuất khẩu – cao nhất từ trước tới nay với kim ngạch gần 20,5 tỷ USD. Hàng loạt nhóm hàng xuất khẩu chính đều đạt kim ngạch lớn, tăng trưởng hai con số. Tính chung 3 tháng, trị giá xuất khẩu đạt 102,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sang đến nửa đầu tháng 4, thời điểm có thông tin áp thuế, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu còn 16,7 tỷ USD.

Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) – ngành sản xuất Việt Nam vừa được S&P Global công bố hôm 5.5 đánh giá, những thông báo về thuế quan của Mỹ đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm trở lại trong tháng 4.

Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh, trong khi niềm tin kinh doanh giảm thành mức thấp của 44 tháng khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai. Chỉ số mới nhất đạt 45,6 điểm so với 50,5 điểm của kỳ trước.

Cũng cần nhất mạnh rằng, dữ liệu để cho ra báo cáo PMI tháng 4 được thu thập từ ngày 9 đến ngày 22.4 năm 2025, giai đoạn mà các thông tin về áp thuế liên tục được cập nhật.  

Những người trả lời khảo sát cho biết tình trạng giảm của số lượng đơn đặt hàng mới là tác động của việc áp dụng thuế quan của Mỹ và sự biến động của tình hình thị trường quốc tế. Đồng thời, họ cũng lo ngại về ảnh hưởng của thuế quan lên sản xuất trong những tháng tới. Đây là lý do khiến niềm tin kinh doanh giảm mạnh, về mức thấp nhất kể từ tháng 8.2021.

Số lượng đơn hàng mới giảm đã khiến lượng công việc tồn đọng giảm mạnh, qua đó buộc các nhà sản xuất giảm việc làm lần thứ bảy liên tiếp. Đồng thời, tốc độ giảm việc làm là mạnh nhất trong ba năm rưỡi qua. Các công ty cũng giảm mạnh hoạt động mua hàng, tồn kho hàng mua cũng giảm.

Xuất khẩu bị ảnh hưởng bới chính sách thuế quan từ Mỹ. Ảnh minh họa

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu phải tăng 12% để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% như Chính phủ đề ra.

Trong một diễn biến có liên quan, Việt Nam sẽ bắt đầu đàm phán với Mỹ về mức thuế đối ứng từ ngày 7.5 theo tinh thần “lợi ích hài hòa – rủi ro chia sẻ”.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/tac-dong-thue-quan-len-xuat-khau-viet-nam-my-tang-cac-thi-truong-khac-quay-dau-trong-thang-4)