Kinh doanh

Sukanto Tanoto mua lại doanh nghiệp sản xuất khăn giấy

10 tháng trước
Tác giả Ardian Wibisono

Royal Golden Eagle của Sukanto Tanoto dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận mua lại Vinda International Holdings vào giữa năm 2024.

Share
this:

Doanh nhân lĩnh vực giấy và bột giấy người Indonesia, Sukanto Tanoto đang mở rộng đầu tư vào ngành sản xuất khăn giấy.

Theo đó, hôm 15.12, công ty của ông, Royal Golden Eagle (RGE), thông báo đã gửi lời đề nghị mua lại nhà sản xuất khăn giấy Hong Kong Vinda International Holdings (Vinda). Các cổ đông lớn của Vinda International Holdings – gồm nhà sáng lập công ty Li Chao Wang, người hiện nắm giữ 72,63% cổ phần và hãng sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe cá nhân Essity AB (Thụy Điển) – đều đã chấp thuận lời đời nghị này.

Sukanto Tanoto sẽ mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất khăn giấy tiêu dùng thông qua thỏa thuận mua lại Vinda International Holdings. Ảnh: RGE.

Con gái của ông Sukanto Tanoto, Belinda Tanoto, giữ vai trò giám đốc điều hành tại RGE với 7,69% cổ phần thông qua Beaumont Capital Fund. Theo hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) trong ngày 15.12, RGR đã đưa ra lời đề nghị mua lại Vinda ở mức 23,5 đô la Hong Kong/cổ phiếu (3 USD), chênh lệch 13,5% so với giá cổ phiếu 20,7 đô la Hong Kong (2,66 USD) khi công ty Hong Kong chốt phiên giao dịch ngày 14.12. Hồ sơ cho biết RGE có thể trả tối đa 26 tỉ đô la Hong Kong (3,3 tỉ USD) nếu toàn bộ cổ đông của Vinda đồng ý.

Nếu hoàn tất, thương vụ này sẽ giúp Sukanto Tanoto mở rộng việc kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất khăn giấy. Hồi tháng 1.2023, Bracel – công ty con của RGE đã mua lại OL Papeis (Brazil) và công bố đầu tư 500 triệu USD xây dựng các cơ sở sản xuất giấy và bột giấy tại Indonesia vào tháng 4.2023.

Sukanto Tanoto đứng thứ hai mươi trong danh sách những giàu nhất Indonesia năm 2023 với giá trị tài sản 3,15 tỉ USD.

Trong thông cáo báo chí, Belinda cho biết: “Vinda có tầm nhìn trở thành sự lựa chọn hàng đầu về các sản phẩm và dịch vụ vệ sinh tại châu Á. Trong khi đó, RGE tiếp tục nắm bắt cơ hội từ nhu cầu dành các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng ở khu vực này gia tăng, xây dựng nền tảng kinh doanh vững chắc, hiệu quả và bền vững hơn nữa.”

Theo sau thông báo tiếp nhận đề nghị từ RGE, cổ phiếu của Vinda trong phiên giao dịch sáng ngày 15.12 tăng khoảng 7,5%, song thấp hơn gần 5% so với năm 2022. Công ty báo cáo doanh thu trong năm 2022 đạt 19,42 tỉ đô la Hong Kong (2,49 tỉ USD), tăng 4% từ năm 2021 và lợi nhuận thuần hạ 57% xuống 706 triệu đô la Hong Kong (90,5 triệu USD). Trong đó, 83% doanh thu của công ty đến từ các thương hiệu khăn giấy gồm Tempo và Tork, sản phẩm vệ sinh dành cho phụ nữ và trẻ em đóng 17% còn lại.

Trong thông cáo báo chí, Magnus Groth, chủ tịch kiêm CEO Essity AB, nhận định RGE đã đưa ra lời đề nghị hấp dẫn đối với các cổ đông của công ty này.

“Chúng tôi vẫn có mặt tại châu Á và trong Vinda thông qua việc tiếp tục cho phép công ty sử dụng thương hiệu Essity với những yêu cầu về tính bền vững đối với quá trình tìm kiếm nguồn cung, sản xuất và hợp tác trong đổi mới sáng tạo cũng như tiếp thị. Sau khi thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi cũng sẽ giảm tỉ trọng của sản phẩm khăn giấy tiêu dùng trong tổng doanh thu của Essity, tập trung hơn nữa vào đầu tư và phát triển thương hiệu riêng cũng như danh mục sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn,” Groth cho biết.

Essity AB cho biết thỏa thuận mua lại Vinda của Royal Golden Eagle sẽ được các cơ quan quản lý phê duyệt và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024.

Biên dịch: Minh Tuấn

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/sukanto-tanoto-mua-lai-doanh-nghiep-san-xuat-khan-giay)