Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã “trình phương án rất phù hợp” với hành lang pháp lý hiện tại nhằm xử lý khoản nợ xấu tương đương 32% cổ phần của ông Trầm Bê cùng các cá nhân liên quan và chỉ chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trả lời các câu hỏi của cổ đông liên quan đến khoản nợ xấu là 32% cổ phần của ông Trầm Bê, nội dung được đặc biệt quan tâm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm nay, 25.4 tại TPHCM, lãnh đạo Sacombank cho biết đã có phương án phù hợp.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trên thực tế xử lý cổ phiếu có phát sinh rất nhiều vướng mắc, khó khăn và chưa có tiền lệ trên thị trường. So với phương án đã trình năm 2023 trước đó chưa được phê duyệt, phương án xử lý của năm 2024 nghiên cứu rất kỹ cơ sở pháp lý, đã cập nhật những hướng giải quyết mới.
“Chúng tôi đã trình phương án phù hợp với quy định pháp luật, đó là mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) và triển khai đấu giá khoản nợ thông qua công ty đấu giá độc lập,” bà Diễm nói.
Bà Diễm thông tin thêm, Sacombank đã báo cáo kết quả tái cơ cấu với cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước giám sát, đánh giá cao quá trình tái cơ cấu và giao 14 vấn đề cần xử lý. Ngân hàng này đã “xử lý 13 vấn đề,” theo bà Diễm. Hiện tại, chỉ còn vấn đề nợ xấu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, cổ phiếu và những khuyến nghị của thanh tra về Ngân hàng Phương Nam còn tồn sau khi chuyển sang Sacombank.
“Ngân hàng Nhà nước đã thấy số liệu, thực trạng. Tôi tin rằng, cơ quan giám sát sẽ trình Thống đốc đánh giá, ghi nhận và phê duyệt ngay khi có thể,” bà Diễm nói tại đại hội.
Về cụ thể các con số, bà Diễm cho biết, tại thời điểm 31.12.2016, khoản nợ gốc là 35.400 tỷ đồng, lãi dự thu khoanh theo đề án là 12.919 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 2024, Sacombank đã thu hồi 25.612 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 23.363 tỷ đồng và 2.249 tỷ đồng).
Dư nợ còn lại 12.037 tỉ đồng, trong đó nợ đã bán cho VMC là 10.538 tỷ đồng, khoản thu là 1.454 tỷ đồng. Tổng lãi còn phải trả theo hợp đồng đến 31.12.2024 là 57.605 tỉ đồng…
Khoản nợ được đảm bảo bằng 604.940.012 cổ phiếu, tương đương 32% cổ phiếu. Tất cả nợ gốc đều đã được Sacombank trích lập dự phòng 100%.
Liên quan đến câu hỏi về nợ xấu nhóm 5 năm 2024 gia tăng gấp đôi so với năm 2023, bà Diễm cho biết, nguyên nhân là do nợ xấu nhóm 3, 4 chuyển sang. Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank ở mức 2,2%, tăng nhẹ như toàn ngành do tác động của khủng hoảng kinh tế, bất động sản chưa phục hồi.
Lãnh đạo Sacombank cam kết ngân hàng đang kiểm soát nợ xấu tốt, sẽ duy trì mức 2% trong năm 2025 và tiếp tục xử lý những tồn đọng trong đề án cũ, cải thiện chất lượng tín dụng và nợ quá hạn, xử lý khoản nợ cuối cùng để giải quyết mục tiêu chung.
Trước đó, trong báo cáo về hoạt động năm 2024, lãnh đạo Sacombank công bố, lợi nhuận trước thuế đạt 12.720 tỷ đồng, tăng gần 33% so với 2023; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại năm trước, Sacombank có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
“Đến thời điểm hiện tại, Sacomabank chỉ còn nút thắt cuối cùng là chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và những người liên quan theo đề án tái cơ cấu. Bước sang 2025, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra và đẩy mạnh tiến trình làm việc để công bố hoàn tất đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Đây là bước ngoặt quan trọng để mở ra cơ hội tăng vốn, nâng tầm vị thế,” bà Diễm khẳng định.
Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả năm 2024. Dự kiến đến cuối năm, tổng tài sản của ngân hàng đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2024.
Lãnh đạo Sacombank đánh giá, năm 2025 có những khó khăn, thách thức từ nền kinh tế, trong đó có những vấn đề như thuế đối ứng từ Mỹ, biến động tỷ giá. Chi phí vốn khó kéo giảm. Vì vậy, ngân hàng này chuẩn bị phương án tái cơ cấu nguồn vốn huy động, gia tăng vốn từ thị trường 2 trong khi thị trường 1 tăng khoảng 10%, ưu tiên huy động vốn ngắn hạn, khách hàng nhỏ lẻ để đảm bảo hoạt động. Đồng thời, tăng tổng tài sản khoảng 10% từ công tác cung ứng vốn cho nền kinh tế và trái phiếu Chính phủ.
Hết quý 1.2025, theo lãnh đạo Sacombank, ngân hàng này đã huy động đạt 33% kế hoạch năm; tăng trưởng tín dụng 4,7%, bằng 33% kế hoạch. Nợ xấu là 2,2%, tăng 0,2% do khách hàng bị ảnh hưởng bởi khó khăn, kinh tế phục hồi chậm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.600 ty đồng, 25% kế hoạch.
Sau 9 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, Sacombank lên kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, ngân hàng này sẽ xây dựng phương án chi tiết và lấy ý kiến cổ đông trước khi triển khai.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/sacombank-da-co-phuong-an-xu-ly-phu-hop-32-co-phan-cua-ong-tram-be)