Các nữ doanh nhân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang dần khẳng định vị thế lãnh đạo trong những ngành công nghiệp đầy thử thách
Khi bối cảnh bất ổn kinh tế tiếp tục tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp toàn cầu, 20 phụ nữ này đã được trao nhiệm vụ dẫn dắt các tập đoàn, công ty đầu tư và doanh nghiệp gia đình hướng đến sự phát triển bền vững.
Danh sách này quy tụ những “cựu binh” dày dạn kinh nghiệm, tiên phong trở thành những phụ nữ đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo tại công ty của họ. Một số người đang hoạt động trong các ngành công nghiệp phát triển bùng nổ như sản xuất xe điện và phần cứng máy chủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, trong khi những người khác điều hành các nhà phát triển bất động sản và lèo lái chúng vượt qua những thách thức từ thị trường nhiều khó khăn.
Những nữ doanh nhân trong danh sách năm nay đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới, với các chiến lược đầy táo bạo và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Họ xứng đáng được vinh danh với những thành tựu nổi bật trong kinh doanh.
Nyrika Holkar hiện được xem là người kế nhiệm tiềm năng nhất của người chú Jamshyd Godrej, 75 tuổi, để lãnh đạo Tập đoàn Godrej Enterprises Group (GEG) với doanh thu 161 tỉ rupee (1,9 tỉ đô la Mỹ), hoạt động trong các lĩnh vực từ hàng không, thiết bị gia dụng đến bất động sản và khóa an ninh.
Là chắt của Pirojsha Godrej, người đồng sáng lập tập đoàn 127 năm tuổi, Nyrika Holkar hiện đã đảm nhận vai trò lãnh đạo quan trọng trong các hoạt động thương hiệu, pháp lý và mua bán & sáp nhập (M&A) của công ty.
Bà cũng đang dẫn dắt việc tích hợp dữ liệu bán hàng, dịch vụ và marketing liên quan đến các doanh nghiệp tiêu dùng của Godrej vào một nền tảng duy nhất. Đặc biệt, vào tháng tư vừa qua, Holkar đã xử lý các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận phân chia tài sản kinh doanh giữa hai nhánh riêng biệt của gia tộc Godrej.
Nyrika Holkar, một luật sư được đào tạo chính quy, chia sẻ: “Thách thức thực sự thú vị với tôi là thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi, ưa chuộng kỹ thuật số.” Holkar bắt đầu sự nghiệp tại Công ty luật AZB & Partners vào năm 2009, nơi bà chuyên xử lý về M&A.
Năm 2015, bà gia nhập Godrej & Boyce Manufacturing, công ty chủ lực chưa niêm yết của GEG, với vai trò phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề doanh nghiệp. Bà trở thành giám đốc điều hành vào năm 2017.
Hồi tháng 3.2024, Shina Chung lên nắm quyền điều hành Kakao, doanh nghiệp công nghệ khổng lồ đứng sau ứng dụng nhắn tin phổ biến của Hàn Quốc, trở thành nữ CEO đầu tiên của công ty. Bà đảm nhận vai trò này sau mười năm làm việc tại bộ phận đầu tư mạo hiểm của tập đoàn.
Chung đang tập trung tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới khi nhà sáng lập kiêm chủ tịch tỉ phú của Kakao, Kim Beom-su, bị bắt vào tháng 7.2024 với cáo buộc thao túng giá cổ phiếu liên quan đến việc tập đoàn này thâu tóm công ty giải trí hàng đầu K-pop SM Entertainment vào năm trước.
Kim và ba giám đốc điều hành, trước đó bị truy tố vì vi phạm chứng khoán liên quan đến thương vụ mua lại, đã phủ nhận hành vi sai trái. Chung, khi ấy là giám đốc bên ngoài, không bị cáo buộc trong vụ việc. Kakao đã không phản hồi yêu cầu bình luận.
Sau khi bà được bổ nhiệm, lợi nhuận ròng của Kakao trong quý hai đã tăng 59%, đạt 87 tỉ won (gần 62 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước, trên doanh thu hai ngàn tỉ won (khoảng 1,4 tỉ đô la Mỹ), tăng 4%, nhờ sự thúc đẩy từ dịch vụ gọi xe và tài chính số.
Cựu cố vấn quản lý dự tính bán các tài sản không cốt lõi để giúp tinh gọn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Internet khổng lồ, trong khi vẫn dẫn dắt nỗ lực phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm củng cố thêm lợi nhuận. Nỗ lực này bao gồm việc chuyển từ nghiên cứu mô hình AI thâm dụng vốn sang tập trung vào các sản phẩm sẵn sàng cho thị trường như ứng dụng tương tác giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Vào tháng 10.2023, Michelle Jablko trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo doanh nghiệp Transurban có trụ sở tại Melbourne, một trong những đơn vị khai thác đường thu phí lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường 40 tỉ đô la Úc (khoảng 26 tỉ đô la Mỹ).
Dưới sự dẫn dắt của Jablko, công ty đang triển khai ba dự án lớn, tất cả đều được hoàn thành vào năm 2026: Đường hầm West Gate trị giá 6,1 tỉ đô la Úc (hơn 3,9 tỉ đô la Mỹ) tại Melbourne, dự án đường cao tốc M7-M12 Integration trị giá 589 triệu đô la Úc (khoảng 383 triệu đô la Mỹ) tại Sydney và dự án mở rộng đường cao tốc Liên bang 495 trị giá 333 triệu đô la Mỹ gần Washington D.C.
Transurban đã công bố lợi nhuận ròng tăng 312% so với cùng kỳ năm trước, đạt 376 triệu đô la Úc (hơn 244,5 triệu đô la Mỹ) trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6.2024, với doanh thu 4,1 tỉ đô la Úc (khoảng 2,66 tỉ đô la Mỹ).
Jablko gia nhập Transurban trong vai trò giám đốc tài chính vào năm 2021 sau thời gian làm giám đốc tài chính Ngân hàng ANZ của Úc. Trước đó, bà từng là chuyên gia ngân hàng tại UBS và là một luật sư được đào tạo chính quy. Jablko cũng là thành viên của Hội đồng Giải quyết tranh chấp thâu tóm của Chính phủ Úc, nơi giải quyết các tranh chấp về tiếp quản doanh nghiệp.
Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, Jablko tốt nghiệp loại xuất sắc ngành luật và kinh tế tại Đại học Monash, Melbourne.
Bonnie Chan trở thành nữ CEO đầu tiên của Hong Kong Exchanges and Clearing (HKEX), đơn vị điều hành Sàn Giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), và đang nỗ lực vực dậy sàn giao dịch hiện trì trệ này. Trong quý một năm nay, số vốn huy động từ IPO tại Hong Kong (Trung Quốc) chỉ đạt 610 triệu đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Giờ đây, dưới sự điều hành của Chan – cựu sinh viên Trường Luật Harvard và Morgan Stanley – tình hình đã dần khởi sắc.
Trong quý hai có 18 công ty đã lên sàn so với 12 công ty trong quý trước, với số vốn huy động tăng 79%. Vào tháng 9.2024, nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea đã huy động được bốn tỉ đô la Mỹ, trở thành đợt IPO lớn nhất tại Hong Kong (Trung Quốc) trong gần bốn năm và là đợt niêm yết lớn thứ hai thế giới trong năm nay, chỉ xếp sau đợt IPO trị giá 5,1 tỉ đô la Mỹ của doanh nghiệp logistics khổng lồ Lineage tại New York hồi tháng 7.2024.
“Tôi tin rằng đợt niêm yết hôm nay là bước khởi đầu tuyệt vời cho nhiều thương vụ lớn sắp tới,” Chan chia sẻ trên LinkedIn.
Bà cũng ủng hộ một quy định mới mang tên Chương 18C, cho phép các công ty công nghệ chuyên biệt được niêm yết với mức lợi nhuận thấp hơn. Công ty đầu tiên hưởng lợi từ quy định này là QuantumPharm (hay còn gọi là XtalPi), doanh nghiệp sử dụng AI để nghiên cứu phát triển thuốc, với số vốn huy động 127 triệu đô la Mỹ vào tháng 6.2024.
Chan trước đây là trưởng bộ phận giao dịch IPO tại HKEX từ năm 2007–2010 và đã quay trở lại sàn này vào năm 2020 trong vai trò giám đốc bộ phận niêm yết. Bà trở thành đồng giám đốc điều hành vào tháng 2.2023 (cùng với Wilfred Yiu) và chính thức đảm nhận vị trí CEO vào tháng 3.2024.
Nữ giám đốc điều hành đầu tiên của Auckland Airport (sân bay Auckland) tiếp tục tạo dấu ấn lịch sử khi giám sát quá trình mở rộng toàn diện nhất của sân bay này kể từ khi đi vào hoạt động năm 1966.
Hồi tháng 9.2024, công ty đã công bố huy động vốn chủ sở hữu 1,4 tỉ đô la New Zealand (gần 816, 7 triệu đô la Mỹ) như một phần của kế hoạch tổng thể trị giá 6,6 tỉ đô la New Zealand (khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ) nhằm hiện đại hóa trung tâm giao thông chính của New Zealand và tăng cường sức chứa. Đây là số tiền lớn nhất từng được huy động trên thị trường New Zealand.
Số tiền thu được sẽ được sử dụng để xây dựng một nhà ga nội địa mới trị giá 2,2 tỉ đô la New Zealand (gần 1,3 tỉ đô la Mỹ) dự kiến mở cửa vào năm 2029, đồng thời giúp giảm nợ ròng.
“Sân bay Auckland sẽ tiếp tục xây dựng một cửa ngõ kiên cố, phù hợp với mục đích sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn,” Carrie Hurihanganui phát biểu hồi tháng 2.2024, hai năm sau khi nắm quyền điều hành một trong những công ty lớn nhất New Zealand theo vốn hóa thị trường.
Trong năm tài chính 2024 (kết thúc vào ngày 30.6.2024), sân bay Auckland chứng kiến doanh thu tăng vọt 43% lên 896 triệu đô la New Zealand (gần 522,7 triệu đô la Mỹ), nhờ lượng hành khách tăng 17% lên 18,5 triệu. Tuy nhiên, tổng lượng hành khách vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch.
Carrie Hurihanganui, lớn lên ở ngoại ô Chicago, đã quyết định chọn New Zealand làm quê hương sau một chuyến du lịch đến đảo Bắc khi mới 18 tuổi. Bà bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, sau đó làm tiếp viên hàng không của Air New Zealand trong khi theo học cử nhân kinh doanh. Đó là bước khởi đầu cho hơn hai thập niên gắn bó của bà với hãng hàng không quốc gia này ở nhiều vị trí điều hành và chiến lược quan trọng.
Vào tháng 5.2020, bà được bổ nhiệm làm giám đốc vận hành (COO) khi Air New Zealand phải cắt giảm công suất và chi phí để đối phó với tác động của đại dịch COVID-19.
Maggi Chen đồng sáng lập công ty Chenbro Micom niêm yết tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 1983 cùng với chồng Leon Chen và em trai Frank. Trong 30 năm, bà giám sát Chenbro Micom từ khâu thiết kế thùng máy tính – bộ khung bao bọc để bảo vệ các linh kiện chính của máy tính – đến khâu sản xuất. Công ty nhận các đơn đặt hàng nhỏ, tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng và mở rộng hoạt động sản xuất sang Trung Quốc.
Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về thùng máy khi các ngành công nghiệp AI, 5G và điện toán đám mây phát triển, Chen đã tái định hướng công ty tập trung vào sản xuất thùng máy tính. Ngày nay, công ty, có các khách hàng nổi bật như Nvidia, đã trở thành một trong những nhà sản xuất thùng máy tính lớn nhất thế giới.
Doanh thu nửa đầu năm 2024 tăng 53% lên 6,4 tỉ Đài tệ (196,4 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng tăng vọt 176% lên 833 triệu Đài tệ (25,5 triệu đô la Mỹ).
Năm 2020, Chen đã chuyển một phần hoạt động sản xuất trở về Đài Loan (Trung Quốc). Nhà máy mới trị giá 2,5 tỉ Đài tệ (76,7 triệu đô la Mỹ) của công ty nằm ở huyện Chiayi, cạnh huyện Yunlin quê hương của Chen, và được thiết kế theo hình dáng các thùng máy xếp chồng lên nhau.
Chen, lớn lên trong gia cảnh khiêm tốn ở miền trung Đài Loan (Trung Quốc), giữ chức chủ tịch công ty cho đến năm 2013 và được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT từ năm 2009. Bà tốt nghiệp năm 1977, khoa tiền tệ và ngân hàng của Đại học Quốc gia Chengchi.
Miwako Date đã triển khai một chiến lược đầu tư đầy tham vọng nhằm thúc đẩy Công ty Mori Trust do cha bà gây dựng thành một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Nhật Bản. Đến năm 2030, Mori Trust đặt mục tiêu đạt lợi nhuận hoạt động 70 tỉ yen (457 triệu đô la Mỹ) trên doanh thu 330 tỉ yen (2,1 tỉ đô la Mỹ), với các mảng cho thuê văn phòng, khách sạn và giao dịch bất động sản, mỗi mảng đóng góp 100 tỉ yen (646 triệu đô la Mỹ) vào doanh thu.
Date, 53 tuổi, có thể vẫn duy trì vị trí lãnh đạo trong nhiều thập niên nữa. Date cho biết bà không có kế hoạch để một thành viên trong gia đình kế nhiệm mình, và hiện tại cũng không có ai khác trong gia đình, ngoài cha bà (88 tuổi), đang làm việc tại công ty.
Bà chia sẻ: “Cha tôi thường nói với chúng tôi rằng ‘không bắt buộc phải là thế hệ con cháu mới có thể điều hành công ty.’ Ông ấy luôn nhấn mạnh rằng ‘người có năng lực cao nhất vào thời điểm đó sẽ được chọn.’”
Date gia nhập Mori Trust vào năm 1998 ở tuổi 27. Bà có bằng thạc sĩ về quy hoạch đô thị từ Đại học Keio. Sau khi hai người anh trai rời công ty, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch vào năm 2016 – một quyết định hiếm hoi ở Nhật Bản, nơi thường chỉ có con trai trưởng được giữ vị trí lãnh đạo trong các công ty gia đình.
Trong hai năm lãnh đạo Telstra, Vicki Brady đã tái định hướng công ty viễn thông lớn nhất của Úc (tính theo thị phần) tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là kết nối con người, đồng thời thúc đẩy các tham vọng về trí tuệ nhân tạo (AI).
Dưới sự chỉ đạo của bà, Telstra đã công bố kế hoạch đầu tư lên đến 1,6 tỉ đô la Úc (hơn 1 tỉ đô la Mỹ) trong năm năm đến năm 2027, một phần để mở rộng mạng lưới cáp quang quốc gia, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ khổng lồ Microsoft khi tập đoàn này đồng ý sử dụng mạng lưới này để mở rộng cơ sở hạ tầng AI tại Úc.
Vicki Brady cũng đang nỗ lực cải thiện lợi nhuận, dịch vụ khách hàng và số hóa các hoạt động của Telstra. Vào tháng 5.2024, bà đã cắt giảm 2.800 vị trí, khoảng hơn 10% tổng số nhân viên. Động thái này dự kiến sẽ giúp giảm chi phí đến 350 triệu đô la Úc (hơn 227,6 triệu đô la Mỹ) vào cuối năm 2025. Cũng trong năm tới, bà có kế hoạch chuyển 90% các ứng dụng của Telstra lên đám mây và sử dụng AI để nâng cao hiệu quả các quy trình kinh doanh chính của công ty.
Lợi nhuận ròng của Telstra đã giảm 13% xuống còn 1,8 tỉ đô la Úc (gần 1,2 tỉ đô la Mỹ) trong năm tài chính tính đến ngày 30.6.2024, một phần do các chi phí liên quan đến việc cắt giảm nhân sự.
Brady gia nhập Telstra vào năm 2016 trong vai trò giám đốc điều hành tập đoàn, thăng chức lên giám đốc tài chính vào năm 2019. Trước đó, bà đã làm việc tại công ty viễn thông đối thủ Optus và tập đoàn mẹ Singapore Telecommunications của công ty này, cũng như tại Công ty kiểm toán KPMG.
Tan Su Shan, nữ lãnh đạo kỳ cựu trong ngành ngân hàng sẽ sớm thiết lập cột mốc mới cho vai trò lãnh đạo của phụ nữ tại Singapore khi bà trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Tập đoàn DBS – ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tính theo tài sản. Bà sẽ kế nhiệm Piyush Gupta vào tháng 3.2025.
Gupta, cựu giám đốc Citibank, lên lãnh đạo DBS vào năm 2009 và đã đưa Tan từ Morgan Stanley gia nhập ngân hàng này vào năm tiếp theo. Bà đã điều hành mảng ngân hàng tiêu dùng và quản lý tài sản của DBS trong gần một thập niên trước khi chuyển sang vai trò hiện tại là phó CEO và trưởng bộ phận ngân hàng tổ chức.
Trả lời Forbes Asia qua email, Tan chia sẻ rằng với sự phát triển đột phá của công nghệ, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế, việc quản lý một ngân hàng “không chỉ đơn giản là lập kế hoạch dự phòng nữa, mà còn cần đến sự nhanh nhẹn, khả năng chuyển hướng và sẵn sàng thích ứng nhanh chóng.” Theo bà, những điều đó giúp DBS kiên cường và sẵn sàng cho tương lai.
Một trong những thách thức lớn đối với Tan Su Shan là duy trì đà tăng trưởng tại DBS, ngân hàng vừa công bố mức lợi nhuận ròng kỷ lục 10,3 tỉ đô la Singapore (hơn 7,6 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2023, tăng 26% so với năm trước. Glenn Thum, nhà phân tích tại PhillipCapital ở Singapore, nhận định con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới, được thúc đẩy từ phí quản lý tài sản và phí thẻ tín dụng.
DBS đã và đang mang lại lợi nhuận vượt trội cho Quỹ đầu tư quốc gia Temasek và các cổ đông khác. Cho đến nay, cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng khoảng 30%, cao hơn so với các đối thủ trong nước là Oversea-Chinese Banking Corp và United Overseas Bank.
Feny Djoko Susanto đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng ủy viên của “đế chế” siêu thị mini do cha bà, Djoko Susanto, sáng lập cách đây hơn một thập niên. Ông Susanto hiện đứng thứ 12 trong danh sách 50 người giàu nhất Indonesia.
Feny từng giữ những vai trò quan trọng khác trong quá trình phát triển của công ty, bao gồm giám sát việc niêm yết công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2009 và quản lý việc mở rộng sang Philippines vào năm 2014 thông qua liên doanh với ông lớn bán lẻ địa phương SM Investments, mở được hơn 1.600 cửa hàng Alfamart tại Philippines tính đến hiện nay.
Tập đoàn đã ghi nhận doanh thu 107 ngàn tỉ rupiah (hơn 6,9 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2023, với tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) tăng 12% kể từ năm 2020 và lợi nhuận ròng 3,4 ngàn tỉ rupiah (hơn 213 triệu đô la Mỹ), CAGR đạt 39% trong cùng kỳ.
Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của mảng mua sắm trực tuyến và những chuyển biến lớn khác trong lĩnh vực bán lẻ của Indonesia, tập đoàn này – điều hành chuỗi Alfamart, Alfamidi, Lawson và Dan+Dan – đã tăng trưởng ấn tượng từ 141 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2002, khi Feny lần đầu gia nhập Sumber Alfaria Trijaya với vai trò giám đốc điều hành, lên 22.000 cửa hàng vào cuối năm ngoái.
Để đạt được mức tăng trưởng này, công ty sử dụng mô hình nhượng quyền thương mại và đang mở rộng sang các lĩnh vực khác như bán sản phẩm làm đẹp và quản lý không gian làm việc chung. Feny có bằng MBA từ Đại học Cleveland State.
Hồi tháng 5.2024, Stephanie Lo tiếp nhận vai trò phó chủ tịch Shui On Land, đơn vị chủ lực của tập đoàn Shui On tập trung vào Trung Quốc đại lục, do người cha tỉ phú Vincent Lo thành lập vào năm 1971. Bà sẽ có rất nhiều việc phải làm khi được giao nhiệm vụ lèo lái công ty phát triển bất động sản vượt qua cuộc khủng hoảng thị trường diễn ra từ năm 2020, thời điểm Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kiểm soát chặt tình trạng áp dụng đòn bẩy quá mức của các doanh nghiệp xây dựng.
Lo hiểu rằng cần phải kiên nhẫn và có kế hoạch vững vàng trong khi chờ đợi tình hình bất ổn lắng xuống. Vào tháng 9.2024, Bắc Kinh đã công bố gói kích cầu lớn nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, bao gồm giảm chi phí vay và hạ mức thanh toán trước cho ngôi nhà thứ hai.
“Sẽ mất một vài năm nữa để chúng ta có thể thực sự ổn định và chứng kiến sự phục hồi,” bà chia sẻ với Forbes Asia trong cuộc phỏng vấn độc quyền tại trụ sở chính của công ty tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ ba ngày sau khi các biện pháp kích thích kinh tế được tung ra.
Shui On Land ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 88% xuống còn 72 triệu nhân dân tệ (10 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm 2024 do doanh thu giảm 68% xuống còn 2,1 tỉ nhân dân tệ (290 triệu đô la Mỹ), chủ yếu do số lượng căn hộ hoàn thiện ít hơn, dẫn đến doanh số bán bất động sản giảm. Tuy nhiên, Lo cho biết công ty có “nền tảng rất vững chắc để vượt qua cơn bão,” một phần do danh mục đầu tư của công ty chủ yếu tập trung tại Thượng Hải, một trong số ít thành phố của Trung Quốc đại lục vẫn thu hút người mua bất động sản cao cấp.
Theo báo cáo từ Công ty tư vấn bất động sản Savills, khối lượng giao dịch trực tiếp đối với bất động sản cao cấp tại Thượng Hải đã tăng hơn bốn lần trong quý 2.2024 so với cùng kỳ năm trước. Cuối tháng 9.2024, Shui On Land cũng đã bán hết 108 căn hộ trong giai đoạn đầu tiên của dự án khu dân cư cao cấp Lakeville VI tại trung tâm thành phố Thượng Hải, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Lo, kiến trúc sư được đào tạo chính quy, cũng cho biết Shui On Land đang tập trung vào việc phát triển những dự án lớn với mục tiêu bảo tồn các khu phố lịch sử và biến chúng thành các địa điểm hấp dẫn dành cho mua sắm và giải trí. Nổi bật trong số đó là dự án Shanghai Xintiandi rộng 1,8 triệu m2 (tổng diện tích sàn) được đưa vào hoạt động năm 2001, biến khu vực lịch sử đã xuống cấp này thành khu mua sắm, giải trí và kinh doanh cao cấp.
Năm ngoái, công ty đã ra mắt thêm hai dự án phát triển nữa tại Thượng Hải: Panlong Tiandi, hồi sinh một trong những thị trấn ven sông cổ xưa của Trung Quốc đại lục – nổi tiếng với những cây cầu và kênh đào – gồm các bất động sản thương mại, nhà ở dân dụng và khách sạn trên diện tích hơn 500 ngàn m2, và Hong Shou Fang, dự án văn phòng và bán lẻ rộng 88 ngàn m2. Các dự án mới đã giúp tăng 16% thu nhập cho thuê trong nửa đầu năm, lên 1,8 tỉ nhân dân tệ (248 triệu đô la Mỹ), trong đó ba phần tư đến từ Thượng Hải.
Lo dự đoán sau cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ xuất hiện làn sóng mở rộng tiếp theo từ các kế hoạch tái thiết đô thị tương tự. Bà cũng nói thêm Shui On Land đang ở “vị thế tốt để nắm bắt tăng trưởng trong tương lai.”
Công ty đã xây dựng các khu phức hợp Tiandi (có nghĩa là thiên địa) với phong cách tương tự như Shanghai Xintiandi tại Trùng Khánh, Phật Sơn và Vũ Hán. Lo cũng lưu ý rằng Shui On Land đã cắt giảm nợ kể từ năm 2016, khi hầu hết các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang tận dụng mức lãi suất thấp kỷ lục để thúc đẩy quá trình mở rộng mạnh mẽ.
Vào thời điểm đó, một số cổ đông coi động thái này là “trái lẽ thường,” nhưng cách làm này đã mang lại hiệu quả. Tỉ lệ đòn bẩy ròng của Shui On Land là 53% tính đến ngày 30.6.2024, giảm so với mức 81% vào cuối năm 2015 và thấp hơn nhiều so với mức đòn bẩy ba chữ số phổ biến của các nhà phát triển đã vỡ nợ, chẳng hạn như China Evergrande Group và Shimao Group.
Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ việc giảm đòn bẩy là lý do giúp chúng tôi có thể duy trì vị thế ổn định như hiện nay.”
Lo gia nhập Shui On Land vào năm 2012 sau khi làm việc tại các công ty kiến trúc và thiết kế ở New York. Bà trở thành phó chủ tịch của Công ty Shui On Xintiandi vào năm 2017 và đảm nhiệm chức vụ giám đốc điều hành của Shui On Land một năm sau đó. Người cha 76 tuổi của bà là chủ tịch của cả Tập đoàn Shui On lẫn Shui On Land và là cổ đông lớn của Shui On Land.
Lourdes Gutierrez-Alfonso trở thành chủ tịch của Megaworld vào tháng 6.2024. Bà kế nhiệm Andrew Tan, người sáng lập Megaworld vào năm 1989 và phát triển thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất Philippines chuyên cung cấp không gian cho các trung tâm cuộc gọi và điều hành các khách sạn.
Bà được giao nhiệm vụ dẫn dắt một đợt mở rộng lớn của công ty: Megaworld có kế hoạch đầu tư 350 tỉ peso (hơn 6,1 tỉ đô la Mỹ) trong vòng năm năm đến 2027 để phát triển và mở rộng số lượng các khu đô thị của mình từ 31 (số liệu vào tháng 5.2024) lên 35 vào cuối năm 2024.
Công ty cũng đặt mục tiêu tăng số lượng phòng khách sạn lên 12 ngàn phòng tại 27 cơ sở, tăng từ tám ngàn phòng tại 19 cơ sở tính đến tháng 9.2024.
Vai trò mới của Gutierrez-Alfonso sẽ đối mặt với nhiều thách thức: Mặc dù ngân hàng trung ương đã bắt đầu nới lỏng lãi suất, chi phí vay vẫn ở mức cao, trong khi các đối thủ đang tích cực xây dựng khách sạn với kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi nhờ những khoản đầu tư lớn từ chính phủ và khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng, bao gồm sân bay.
Megaworld, phần lớn thuộc sở hữu của Alliance Global Group do Andrew Tan kiểm soát, đã công bố lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm tăng 11% lên 9,8 tỉ peso (480 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm trước, khi doanh thu của tập đoàn tăng 22% đạt 39,1 tỉ peso (1,9 tỉ đô la Mỹ).
Kể từ khi gia nhập Megaworld vào năm 1990, Gutierrez-Alfonso, vốn là kế toán, đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, bao gồm phó chủ tịch điều hành cấp cao phụ trách tài chính và hành chính, và gần đây nhất là giám đốc điều hành. Andrew Tan, 72 tuổi, vẫn giữ vai trò chủ tịch, có giá trị tài sản ròng ước tính 1,9 tỉ đô la Mỹ.
Hồi tháng 8.2024, Rishma Kaur trở thành chủ tịch của Berger Paints India, công ty sơn lớn thứ hai tại Ấn Độ về thị phần và doanh thu, đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ trong năm tài chính gần nhất, chỉ xếp sau Asian Paints. Là giám đốc suốt hơn một thập niên, bà thay thế người cha tỉ phú Kuldip Singh Dhingra khi ông trở thành chủ tịch danh dự.
Chú của bà, Gurcharan Singh Dhingra, cũng là một tỉ phú, đồng thời là phó chủ tịch danh dự. Người kế nhiệm ông là con trai Kanwardip Singh Dhingra.
“Trách nhiệm của tôi đã tăng lên, nhưng tôi không từ bỏ những gì mình đam mê từ trước,” Kaur, chị cả trong gia đình có ba chị em gái, chia sẻ qua điện thoại. Bà gia nhập Berger Paints với vai trò thực tập sinh cách đây ba thập niên, khi hoàn tất khóa học kinh doanh tại Vương quốc Anh. Thời gian sau, bà nghỉ làm bảy năm để nuôi ba con.
Trở lại Berger Paints, Kaur tìm được hướng đi riêng trong phát triển sản phẩm và kinh doanh. “Tôi thích thử nghiệm,” bà cho biết, nhắc đến các sản phẩm hoàn thiện cao cấp và lớp phủ chống thấm mạnh mẽ của công ty. Bà hình dung một tương lai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và có thể sử dụng robot “để giảm bớt những khó khăn khi sơn.”
Berger Paints, với lịch sử tồn tại cả thế kỷ, vốn là một công ty sơn công nghiệp nhỏ khi anh em nhà Dhingra mua lại từ cựu tỉ phú Vijay Mallya vào năm 1991. Hiện nay, công ty sở hữu 29 nhà máy và có mặt tại Nepal, Ba Lan và Nga. Trong nước, Berger Paints đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Birla Opus Paints, thuộc Tập đoàn Aditya Birla của tỉ phú Kumar Birla. Kaur chia sẻ: “Thị trường này đủ lớn. Chúng tôi còn nhiều cơ hội để phát triển.”
Mitsuko Tottori bắt đầu sự nghiệp với vai trò tiếp viên hàng không cho hãng hàng không quốc gia Nhật Bản, sau đó thăng tiến thành nữ giám đốc điều hành đầu tiên của Japan Airlines (JAL). Thời điểm nhậm chức chủ tịch vào tháng 4.2024, Tottori trở thành CEO đầu tiên không xuất thân là phi công, kỹ sư bảo trì, nhân viên tài chính hay quan chức chính phủ, và là một trong số ít người chưa tốt nghiệp từ Đại học Tokyo danh tiếng.
JAL đã chứng kiến lượng hành khách phục hồi gần mức trước đại dịch và lợi nhuận ròng tăng 178% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2024 lên 95,5 tỉ yen (617 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, gần đây hãng gặp phải một loạt vấn đề về an toàn dẫn đến việc bị cơ quan quản lý khiển trách vào tháng 5.2024.
Đến tháng sáu, JAL đã nộp báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải, mô tả các bước sẽ thực hiện để cải thiện an toàn. “Mặc dù thực sự lo lắng khi đảm nhận một trách nhiệm nặng nề như vậy nhưng tôi tin vào kinh nghiệm của mình và quyết định nhận công việc này,” Tottori chia sẻ khi JAL bổ nhiệm bà làm CEO. “Sự nghiệp của tôi gắn liền với hai yếu tố cơ bản nhất của một hãng hàng không: an toàn và dịch vụ khách hàng.”
Ngay sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Trường cao đẳng Nữ sinh Kwassui ở Nagasaki năm 1985, Tottori bắt đầu làm việc cho một hãng hàng không nhỏ được JAL mua lại vào năm 2004. Bà được thăng chức làm giám đốc cấp cao phụ trách tiếp viên hàng không vào năm 2015, đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch phụ trách an toàn khoang máy bay vào năm 2019.
Năm 2023, bà được bổ nhiệm là phó chủ tịch cấp cao phụ trách trải nghiệm khách hàng và ngồi vào ghế thành viên hội đồng đại diện kiêm giám đốc khách hàng vào cuối năm đó.
Shania Manoj Punjabi lãnh đạo MD Entertainment, công ty sản xuất phim lớn nhất Indonesia theo vốn hóa thị trường, đạt 30,3 ngàn tỉ rupiah (1,9 tỉ đô la Mỹ) hồi giữa tháng 10. Bà đồng sáng lập công ty vào năm 2002 cùng chồng mình, tỉ phú Manoj Punjabi và cha mẹ chồng là Dhamoo và Sunita. Punjabi đã giám sát sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty trong những năm gần đây, bao gồm thỏa thuận mua lại Công ty truyền hình Net TV của Indonesia với giá 1,65 ngàn tỉ rupiah (103,5 triệu đô la Mỹ).
MD Entertainment đã phát hành bộ phim kinh dị KKN Di Desa Penari (KKN, Curse Of The Dancing Village), phá kỷ lục ở Indonesia với 10 triệu lượt xem tại rạp và doanh thu đạt 25 triệu đô la Mỹ. Trong nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận ròng 77,2 tỉ rupiah (hơn 4,8 triệu đô la Mỹ), tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hai bộ phim: phim truyền hình Ipar Adalah Maut và Badarawuhi: Di Desa Penari (Dancing Village: The Curse Begin), phần tiền truyện của bộ phim ăn khách năm 2022.
Punjabi, chuyên trách tài chính và tham gia các công ty liên kết cũng như các công ty con, đã trở thành chủ tịch hội đồng ủy viên vào năm 2021. Trước MD, bà là quản lý hợp danh tại A.T. Kearney Management Consultants ở Jakarta. Punjabi có bằng cử nhân kinh tế, chuyên ngành tiếp thị và quản lý chiến lược, từ Trường Wharton của Đại học Pennsylvania.
Clara Chan, CEO của Hong Kong Investment Corp. (HKIC), được giao nhiệm vụ thúc đẩy và đầu tư vào các ngành công nghiệp giúp Hong Kong (Trung Quốc) duy trì tính cạnh tranh lâu dài, đồng thời tạo ra lợi nhuận. Một phần chính trong nhiệm vụ của bà là định vị Hong Kong (Trung Quốc) như một trung tâm toàn cầu cho các ngành công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh. HKIC được thành lập vào năm 2022 với số vốn 62 tỉ đô la Hong Kong (tám tỉ đô la Mỹ), và Chan đảm nhận vai trò mới từ cuối năm 2023.
Những mối quan hệ hợp tác đầu tiên của HKIC bao gồm SmartMore, công ty dự định mở một trường học để đào tạo kỹ năng AI tại thành phố, và Galbot, nhà sản xuất robot có trụ sở tại Bắc Kinh, sẽ thiết lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hong Kong (Trung Quốc).
“Chúng tôi không chỉ đóng vai trò kết nối nguồn vốn, tập hợp công nghệ, nhân tài và các ngành công nghiệp để thúc đẩy sự ra đời của các công ty khởi nghiệp, mà còn giữ vị trí gần gũi với ngành, đồng hành và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp phát triển,” Chan chia sẻ.
Trước khi làm việc tại HKIC, Chan, một luật sư được đào tạo chính quy, đã gia nhập Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) với vai trò quản lý các khoản đầu tư trực tiếp vào năm 2010. Bà đã thăng tiến qua nhiều cấp bậc và trở thành giám đốc điều hành quản lý tiền tệ vào năm 2020.
Tại HKMA, bà là người đã đàm phán thỏa thuận trị giá 39 tỉ đô la Hong Kong (năm tỉ đô la Mỹ) để cứu trợ Cathay Pacific, hãng hàng không quốc gia của Hong Kong (Trung Quốc), trong thời kỳ đại dịch.
Stella Li đang đóng vai trò then chốt trong tham vọng toàn cầu của BYD, doanh nghiệp sản xuất xe điện khổng lồ của Trung Quốc, là người phụ trách giám sát các hoạt động của công ty tại châu Mỹ và châu Âu. Bà được giao nhiệm vụ hỗ trợ BYD hoàn thành mục tiêu tạo ra gần một nửa doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng so với mốc 30% trong tổng số 301 tỉ nhân dân tệ (hơn 41,5 tỉ đô la Mỹ) doanh thu trong nửa đầu năm 2024. Năm 2013, bà đã khai trương nhà máy đầu tiên của BYD ở Hoa Kỳ, đặt tại Lancaster, California.
Công ty cho biết đây là một trong những nhà sản xuất xe buýt chạy bằng pin điện lớn nhất Bắc Mỹ. Tiếp đến sẽ là nhà máy đầu tiên của BYD dành cho thị trường châu Âu, đang được xây dựng tại Hungary. Công ty cũng đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở lớn tại Mexico, được cho là sẽ tạo ra khoảng 10 ngàn việc làm.
“Chúng tôi là một công ty tư nhân được giao dịch công khai và có các tiêu chuẩn rất cao về tính minh bạch và liêm chính,” Li phát biểu tại sự kiện do Forbes Trung Quốc tổ chức năm 2019. “Đó là cách bạn xây dựng một nền văn hóa toàn cầu và một công ty toàn cầu. Sau đó, bất kể điều gì xảy ra cũng không quan trọng, loại hình công ty này vẫn có thể tồn tại.”
Li bắt đầu sự nghiệp tại BYD với vai trò giám đốc tiếp thị vào giữa những năm 1990 và giữ chức vụ CEO của BYD Electronics trước khi được thăng tiến lên vị trí hiện tại.
Vào tháng 4.2024, Jo Townsend được bổ nhiệm làm CEO của Guardians of New Zealand Superannuation, đơn vị quản lý quỹ đầu tư quốc gia của đất nước, NZ Super Fund, đạt tổng giá trị hơn 80 tỉ đô la New Zealand (46,6 tỉ đô la Mỹ) vào cuối tháng 10.2024. Kể từ khi thành lập vào năm 2001, quỹ này đã đạt mức lợi nhuận trung bình hằng năm 10,1%, vượt trội so với chỉ số tham chiếu hoặc chuẩn mực (8,7%) trong cùng kỳ.
NZ Super Fund được Global SWF, tổ chức theo dõi dữ liệu quỹ công, vinh danh là quỹ đầu tư quốc gia có hiệu suất tốt nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2022.
Khi Townsend được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành quỹ, chủ tịch Guardians, ông John Williamson, khẳng định: “Bà ấy là một CEO giàu kinh nghiệm với 30 năm hoạt động trong ngành đầu tư tại Úc,” và nói thêm rằng Townsend đã dẫn dắt quá trình chuyển đổi tại Funds SA – đơn vị đầu tư tổ chức trị giá 40 tỉ đô la Úc (27 tỉ đô la Mỹ) quản lý các quỹ công, nơi bà giám sát sự phát triển đáng kể về năng lực của tổ chức này.
Trước khi lãnh đạo Funds SA, Townsend đã làm việc tại Rest Super, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất Úc tính theo tài sản, trong hơn bảy năm, đảm nhiệm nhiều vai trò, bao gồm vị trí quyền giám đốc vận hành và giám đốc đầu tư.
Serena Teo Joo Ling đảm nhiệm vị trí CEO của CapitaLand Ascott Trust (CLAS) được niêm yết tại Singapore vào tháng 7.2022 sau một năm làm phó CEO. Đây là quỹ tín thác bất động sản (REIT) lớn nhất khu vực châu Á–Thái Bình Dương về giá trị tài sản, quản lý 8,5 tỉ đô la Singapore (hơn 6,3 tỉ đô la Mỹ) tài sản, chủ yếu là căn hộ dịch vụ, ký túc xá cho sinh viên và khách sạn – bao gồm chuỗi Ascott, Citadines và Somerset – với tổng 102 bất động sản tại 16 quốc gia trên toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Teo, CLAS đã và đang ghi nhận mức tăng trưởng ổn định.
Năm 2023, doanh thu tăng 20% lên 745 triệu đô la Singapore (hơn 553,3 triệu đô la Mỹ) so với năm trước và tăng 89% so với mức năm 2021, thúc đẩy khoản chi trả cổ tức tăng 25% lên 237 triệu đô la Singapore (hơn 176 triệu đô la Mỹ) vào năm ngoái.
Công ty đã cải tổ danh mục đầu tư của mình vào tháng 10.2024 bằng cách thoái vốn khỏi các tài sản ở Trung Quốc và Nhật Bản. Công ty cũng đã đồng ý mua khu căn hộ dịch vụ lyf Funan Singapore với giá 263 triệu đô la Singapore (hơn 195,3 triệu đô la Mỹ), và thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất trong quý này.
Teo chuyển sang lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn hơn mười năm công tác tại Ban Phát triển Kinh tế Singapore. Năm 2008, bà gia nhập Ascendas-Singbridge Group, về sau được CapitaLand mua lại, và được bổ nhiệm làm giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Ascendas Funds Management vào năm 2019.
Kể từ khi chuyên gia ngân hàng kỳ cựu Vishakha Mulye tiếp quản Aditya Birla Capital (thuộc Aditya Birla Group), một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Ấn Độ vào năm 2022 tính theo tài sản quản lý, bà đã thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng trong các hoạt động cho vay, bảo hiểm và quỹ tương hỗ của công ty và mở rộng thành công sang các lĩnh vực như dịch vụ kỹ thuật số.
Trong nửa đầu năm kết thúc vào ngày 30.9.2024, lợi nhuận ròng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước lên 15,8 tỉ rupee (hơn 187 triệu đô la Mỹ), doanh thu tăng 29% lên 188 tỉ rupee (2,2 tỉ đô la Mỹ). Năm ngoái, công ty đã huy động được 30 tỉ rupee (355 tỉ đô la Mỹ) thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức như Capital Group và SBI Life Insurance để tài trợ cho việc mở rộng kỹ thuật số.
Vào tháng 4.2024, bà đã ra mắt Aditya Birla Capital Digital, nền tảng cung cấp dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho khách hàng bán lẻ bao gồm ứng dụng di động. Kể từ đó, hơn 2,5 triệu khách hàng đã đăng ký và Mulye đặt mục tiêu thu hút thêm 30 triệu người dùng mới trong vòng ba năm tới. Các dịch vụ kỹ thuật số mới khác bao gồm Udyog Plus, cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và Payments Lounge, nền tảng thu nợ cho người bán hàng.
Mulye là kế toán được đào tạo chính quy, bắt đầu gia nhập ICICI Group vào năm 1993 trong vai trò thực tập sinh và đã dành gần ba thập niên làm việc tại đây. Bà đã giữ các vị trí lãnh đạo trong mảng ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư mạo hiểm trước khi trở thành giám đốc điều hành trong hội đồng quản trị của Ngân hàng ICICI vào năm 2016.
Nghiên cứu thông tin: Jonathan Burgos, Gloria Haraito, John Kang, Naazneen Karmali, Zinnia Lee, Anuradha Raghunathan, Ian Sayson, James Simms, Cat Thomas, Catherine Wang, Yue Wang, Jennifer Wells và Ardian Wibisono.
Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nu-doanh-nhan-quyen-luc-chau-a-2024)