Ngày 2.1.2025, bốn nhà máy may của tập đoàn Keya ở thủ đô Dhaka của Bangladesh thông báo sẽ đóng cửa.
Hàng nghìn công nhân của 4 nhà máy sẽ dừng công việc từ ngày 1.5.2025, đúng dịp Quốc tế Lao động. Tình hình càng tồi tệ sau khi họ đã nghỉ làm từ ngày 29.12.2024 để phản đối tiền lương tháng 11 trước đó chưa nhận được.
Công ty giải thích đóng cửa do bất ổn thị trường, nguyên liệu thô không đủ và thiếu đơn hàng.
Cùng ngày 2.1, Ủy ban chống tham nhũng Bangladesh đệ trình 2 vụ kiện chống lại chủ sở hữu tập đoàn Keya là ông Abdul Khaleque Pathan cùng một số ngân hàng, với cáo buộc biển thủ 5,3 tỷ taka (43,5 triệu USD) bằng cách vay mờ ám thông qua lạm dụng quyền lực.
Công nhân tập đoàn Keya là những người thất nghiệp mới nhất, sau khi hàng chục ngàn đối tượng rơi vào hoàn cảnh tương tự, vì trên dưới 100 nhà máy may đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong năm 2024.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), 44 nhà máy (với 20.000 công nhân) đã đóng cửa trong 7 tháng đầu năm 2024.
Từ tháng 8, sau khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ do người dân biểu tình, số nhà máy đóng cửa đã tăng tốc thêm 32 cơ sở nữa, với 31.400 lao động. Lý do bởi thiếu khí đốt, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và bất ổn nhân sự.
Tập đoàn Beximco, một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất Bangladesh, giữa tháng 12.2024 tuyên bố giảm nhân sự tại 15 nhà máy, với lý do thiếu việc làm và thiếu đơn hàng. Khoảng 40.000 công nhân phải nghỉ việc từ ngày 16.12.
Ông chủ Beximco hiện đang chịu án tù, do bị cáo buộc cố ý giết người trong lúc chạy trốn khi chính phủ của bà Hasina sụp đổ. Các công ty của ông chủ này hiện đang nợ 4,1 tỷ USD từ 16 ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng. Ông chủ Beximco được cho là có quan hệ gần gũi với cựu Thủ tướng Hasina.
Tập đoàn S Alam, do một cộng sự thân cận khác của bà Hasina làm chủ, cuối tháng 12 cho biết sẽ giảm nhân sự tại 9 nhà máy, do các ngân hàng không hợp tác trong việc nhập nguyên liệu thô.
Theo một số thống kê, quý 3.2024 Bangladesh có thêm 176.000 người thất nghiệp, nâng tổng số lên 2,66 triệu. Theo Tổng cục Thống kê, GDP nước này chỉ tăng 1,8% trong quý 3, giảm so với 6% cùng kỳ trước đó. Những năm gần đây, Bangladesh thường xuyên là quốc gia xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Việt Nam đứng thứ 3.
Ông Khondaker Golam Moazzem, Giám đốc Trung tâm Đối thoại Chính sách tại Dhaka cho rằng, có mối liên hệ gần gũi giữa việc đóng cửa nhà máy và tình hình kinh tế vĩ mô. Hậu quả là tăng trưởng chậm lại, ít nhà máy hoạt động và quá nhiều nhân công bị dư thừa.
Theo ông Moazzem, các nhà máy lớn có thể tồn tại nhờ trợ cấp từ chính phủ, nhưng nhà máy vừa và nhỏ phải đối mặt thách thức nghiêm trọng để duy trì hoạt động. Lĩnh vực ngân hàng suy sụp, nên các nhà máy gặp khó trong việc huy động vốn, cũng như không nhận đủ hỗ trợ để nhập khẩu nguyên liệu thô. Kho dự trự ngoại tệ của quốc gia hiện rất ít ỏi.
Ông Faruque Hassan, cựu chủ tịch BGMEA cho biết, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa do vấn đề liên quan đến ngân hàng và hệ thống tài chính. Ông cũng lo ngại tình hình pháp luật và trật tự đang xấu đi, cùng với nguồn cung khí đốt và điện suy giảm.
Ông Mohammad Hatem, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng sợi len Bangladesh cho rằng, khó khăn của nhiều nhà máy đến từ yêu cầu phi lý của công nhân như muốn tăng lương, chiến thuật trả giá thấp của người mua nước ngoài và bất lực của hệ thống ngân hàng. Khi người mua giữ lại những khoản thanh toán, nhiều nhà máy vừa và nhỏ không thể xoay sở.
Với các khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ. Ngày 12.1, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Bangladesh đã gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương để cùng nhau tìm giải pháp.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nhieu-nha-may-dong-cua-kinh-te-bangladesh-tiep-tuc-bi-phu-bong-den)
1 tháng trước
Xuất khẩu của Nhật Bản phục hồi tích cực trong tháng 101 tháng trước
Lạm phát của Nhật tiếp tục thấp trong tháng 103 năm trước
Nền kinh tế nhập siêu 2 tỉ USD trong chín tháng