Kết thúc chín tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam đạt hơn 483 tỉ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, với thặng dư nhập siêu hơn 2 tỉ USD, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Tính riêng quý III, tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam đạt hơn 168 tỉ USD. Tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 84 tỉ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ, trong khi tốc độ tăng của nhập khẩu gấp bốn lần, tăng 22,6% so với cùng kỳ, đạt 84,55 tỉ USD.
Lũy kế chín tháng, tổng giá trị xuất khẩu đạt 240,52 tỉ USD và nhập khẩu đạt 242,65 tỉ USD, tăng lần lượt 18,8% và 30,5% so với cùng kỳ 2020. Như vậy mức nhập siêu chín tháng hơn 2 tỉ USD, trong khi cùng kỳ năm trước mức xuất siêu gần 17 tỉ USD.
Nền kinh tế năm nay ghi nhận nhập siêu liên tục kể từ tháng Tư, đến tháng 9 là tháng đầu tiên trở lại xuất siêu 500 triệu USD, rút ngắn chênh lệch giữa nhập và xuất khẩu còn hơn 2 tỉ USD trong chín tháng.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với 81,3 tỉ USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 1/3 tổng nhập khẩu của Việt Nam. ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu lớn tiếp theo của Việt Nam.
Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 228 tỉ USD, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, phần còn lại thuộc về nhóm hàng tiêu dùng.
Ở chiều xuất khẩu, 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỉ USD chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu cao thuộc nhóm hàng chủ lực từ khối doanh nghiệp FDI với các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; giày dép và dệt may.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim xấp xỉ 70 tỉ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu.
Trả lời Forbes Việt Nam, ông Andreas Stoffers, giám đốc quốc gia tại Friedrich Naumann Foundation for Freedom cho rằng thặng dư thương mại từ xuất siêu nửa tỉ đô của tháng 9 là không bền vững, vì hai yếu tố: Nhập khẩu đang tăng trưởng mạnh hơn xuất khẩu trong lúc nhu cầu ở các quốc gia đột ngột tăng cao khi nhiều nơi mở cửa lại nền kinh tế để sống chung với Covid-19.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, các nhà máy hoạt động cầm chừng, phí vận chuyển tăng trong bối cảnh khan hiếm container là những tác nhân khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. “Hậu cần và sản xuất là hai lĩnh vực liên quan trực tiếp tới thương mại, cả hai đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam,” ông Stoffers nhận xét.
Diễn biến xuất nhập khẩu trong quý cuối năm 2021, theo vị chuyên gia, phụ thuộc vào ba yếu tố: tình hình kinh tế ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam (đặc biệt là Trung Quốc), tốc độ bình thường hóa chuỗi hậu cần, đặc biệt trong vận chuyển bằng container, và mức độ dỡ bỏ các hạn chế liên quan tới Covid-19.
“Nếu chính phủ mở cửa cách nhanh chóng và tuyệt đối, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt và góp phần củng cố địa vị của Việt Nam,” ông Stoffers trả lời Forbes Việt Nam.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/nen-kinh-te-nhap-sieu-2-ti-usd-trong-9-thang)
2 năm trước
Pan Sutong cố gắng thoát khỏi nguy cơ phá sản11 tháng trước
Tỉ phú Lôi Quân tham vọng đưa Xiaomi vượt Tesla