Phái đoàn cấp cao Hàn Quốc đã bắt đầu gặp đối tác Hoa Kỳ ngày 24.4, để thương thảo vấn đề thuế quan. Hợp tác đóng tàu, năng lượng và chia sẻ chi phí quốc phòng cũng xuất hiện trong nghị sự.
Hàn Quốc bị Hoa Kỳ dọa áp thuế đối ứng 25%. Đồng minh quan trọng khác của Washington ở châu Á là Nhật Bản, bị đe dọa mức 24%. Hiện Hoa Kỳ đàm phán với cả 2, cùng 1 số đối tác khác.
Ông Tom Ramage, chuyên gia kinh tế tại viện kinh tế Hàn Quốc (KEI) có trụ sở tại thủ đô Washington cho biết, đây chỉ là vòng đàm phán mở màn. Chưa chắc trong 90 ngày tạm hoãn này 2 bên đạt được thỏa thuận, nên có thể thời gian hoãn tiếp tục được gia hạn. Không loại trừ khả năng, hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ – Hàn Quốc cũng đàm phán lại.
Hàn Quốc là đồng minh quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ, thường xuyên bị ông Trump chỉ trích vì thặng dư thương mại 55,6 tỷ USD năm 2024 với xứ cờ hoa, tăng 25% so với 2023 và cao hơn 5 lần so với 2019.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Bộ trưởng Công nghiệp Ahn Duk-geun đã bắt đầu gặp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer tại Washington, bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cuộc họp được sắp xếp theo yêu cầu của Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Donald Trump và Quyền Tổng thống Han Duck-soo thảo luận qua điện thoại, về đóng tàu, mua năng lượng, đầu tư dự án LNG ở Alaska và chia sẻ chi phí quốc phòng cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc.
Quyền Tổng thống Han phát biểu ngày 24.4: “Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để tìm giải pháp cùng có lợi, tập trung 3 lĩnh vực: cán cân thương mại, đóng tàu và LNG. Nguyên tắc chủ chốt là ưu tiên lợi ích quốc gia.”
Kể từ cuộc gọi ngày 8.4 giữa ông Han và Tổng thống Trump, giới quan sát cho rằng đóng tàu là quân bài rất quan trọng của Hàn Quốc. Xứ kim chi là nhà đóng tàu lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tổng thống Trump đặc biệt muốn vực dậy lĩnh vực này, với sự giúp đỡ từ bên ngoài như Hàn Quốc.
Về dự án LNG ở Alaska, Seoul có lập trường thận trọng, cho biết đó là 1 phần của đàm phán nhưng lưu ý đến lợi nhuận sau này.
Ngành ô tô được coi vô cùng nhạy cảm. Gần 1 nửa xe hơi xuất khẩu của Hàn Quốc là sang Hoa Kỳ. Sau khi Nhà Trắng công bố thuế 25% với ô tô nhập khẩu, Chính phủ Hàn Quốc phải hỗ trợ khẩn cấp cho một số hãng như Hyundai và Kia.
Vấn đề chi phí cho 28.500 lính Mỹ đóng ở Hàn Quốc, ông Han nói đã chuẩn bị nếu được nêu ra.
Về hàng rào phi thuế quan, phái đoàn Hàn Quốc cho thấy quyết tâm khắc phục bằng sự đa dạng quan chức tháp tùng, như từ bộ tài chính, bộ thương mại, bộ ngoại giao, bộ công nghệ, bộ giao thông vận tải, bộ môi trường, bộ nông nghiệp và bộ y tế.
Hàn Quốc là 1 trong 3 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do toàn diện với Hoa Kỳ, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan giữa 2 nước.
Hiệp định được ký năm 2007, sửa đổi năm 2018 giai đoạn nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng khi đó nói rằng, nội dung hiệp định thật khủng khiếp.
Đàm phán 2 nước đang diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn khủng hoảng chính trị sâu sắc. Một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ngày 3.6, để thay thế Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bị luận tội và cách chức.
Bà Oh Suk-tae, chuyên gia kinh tế tại Societe Generale cho biết, giới doanh nghiệp kỳ vọng có tiến triển trong đàm phán, nhưng thực chất có thể chỉ đạt được sau khi Hàn Quốc bầu xong tổng thống. Hàn Quốc rất khó đưa ra cam kết chắc chắn nào về năng lượng và chi phí quốc phòng, trong giai đoạn cầm quyền của 1 tổng thống lâm thời.
Quyền Tổng thống Han Duck-soo nói muốn đạt được thỏa thuận, Seoul sẽ không chống lại Washington vì họ mắc nợ xứ cờ hoa đã giúp đỡ trong giai đoạn phục hồi sau chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953.
Theo giới quan sát, nếu ông Han Duck-soo đàm phán thành công, đặc biệt liên quan xuất khẩu ô tô, sẽ định vị mình là ứng viên tổng thống hàng đầu trong cuộc bầu cử sắp tới.
(Biên dịch: NVP)
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/my-han-bat-dau-dam-phan-thuong-mai-voi-ky-vong-cao-cua-thi-truong)
9 tháng trước
Doanh nhân lĩnh vực game Hàn Quốc trở thành tỉ phú3 năm trước
Thêm các bang của Mỹ bỏ quy định đeo khẩu trang