Doanh nghiệp

LiveSpo tham vọng hóa kỳ lân bằng sản phẩm lợi khuẩn

1 năm trước
Tác giả Trọng Nam

Sự kết hợp của một nhà khoa học và chuyên gia bán hàng online giàu kinh nghiệm hứa hẹn đưa startup Việt LiveSpo trở thành phát hiện lý thú trong làng công nghệ sinh học thế giới.

Share
this:

Năm 2010, sau 15 năm nghiên cứu và làm việc tại Nhật Bản, tiến sĩ sinh học phân tử Nguyễn Hòa Anh trở về làm việc tại trường đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội). Tình cờ, vị tiến sĩ sinh năm 1968 nghe một chuyên gia nước ngoài kể về một nghiên cứu bào tử lợi khuẩn mới thành công mô hình trong phòng thí nghiệm và đang tìm cách thương mại hóa.

“Tôi đề nghị mua phát minh này và đảm bảo với ông tôi có năng lực sản xuất được bào tử lợi khuẩn này trên quy mô công nghiệp,” tiến sĩ Nguyễn Hòa Anh, chủ tịch kiêm trưởng bộ phận R&D của LiveSpo Pharma kể lại với Forbes Việt Nam.

Nắm trong tay bí quyết nhưng khi mở công ty kinh doanh, tiến sĩ Hòa Anh mất 7-8 năm vật lộn với những đơn hàng nhỏ. Mãi cho đến khi kết hợp cùng các cộng sự Đặng Quốc Hưng và Dương Song Hà, LiveSpo mới định hình con đường phát triển với hướng đi khác biệt: đưa các bào tử lợi khuẩn tí hon vào cơ thể con người khác với cách truyền thống xưa nay là qua đường dạ dày.

Việc nhà khoa học Alexander Fleming (Anh) tìm ra Penicillin được xem là một trong những phát minh sinh học quan trọng nhất của thế kỷ  20 khi đã cứu sống sinh mạng của hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, mọi tấm huy chương đều có mặt trái. Ở mặt đối lập việc lạm dụng Penicillin đã khiến việc nhờn kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến hơn khi nhiều bào tử lợi khuẩn tự nhiên cũng bị tiêu diệt, hệ miễn dịch tự nhiên của con người yếu đi.

Vậy bào tử lợi khuẩn là gì? Nói về vi khuẩn, loại vi sinh vật dễ liên tưởng đến các mầm bệnh, tuy nhiên không phải tất cả các vi khuẩn đều xấu. Cơ thể con người là nơi trú ngụ của hơn 100 ngàn tỉ lợi khuẩn, còn được gọi là vi khuẩn có lợi. Những vi khuẩn này thường sống trong đường tiêu hóa, đường hô hấp và các cơ quan khác, giúp duy trì hệ thống miễn dịch, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại.

Ông Đặng Quốc Hưng, tổng giám đốc LiveSpo cho biết, hiện nay hầu hết các loại men vi sinh lợi khuẩn đều dưới dạng bột cốm và viên nang. Ngoại lệ gần như duy nhất là Enterogermina, một sản phẩm “huyền thoại” được Sanofi cho ra mắt từ năm 1958.

Dạng bào chế của Enterogermina có loại là hỗn dịch, tuy nhiên chỉ chứa một (đơn chủng) lợi khuẩn là Bacillus Clausii. Nhược điểm chung của các sản phẩm lợi khuẩn đang có là hao hụt nhiều khi lưu trữ, thời gian để kích hoạt lợi khuẩn lâu và chưa kịp phát huy được nhiều thì đã chết đi rất nhanh trong cơ thể, theo tiến sĩ Nguyễn Hòa Anh.

Trước khi trở về Việt Nam, tiến sĩ Hòa Anh từng có các nghiên cứu sâu về lợi khuẩn cho thực vật tại đại học Tokohu (Nhật Bản). Ông đạt được một số thành công trong việc thúc đẩy sinh trưởng của lợi khuẩn. Tuy vậy, ông nhận ra hạn chế của lợi khuẩn trên thực vật là chết rất nhanh chỉ sau thời gian ngắn nên chuyển hướng nghiên cứu.

Từ trái sang: Bộ ba nhà sáng lập LiveSpo: Đặng Quốc Hưng, Nguyễn Hòa Anh, Dương Song Hà.

Cuộc gặp gỡ và phát kiến của nhà khoa học người Anh vô tình bổ khuyết cho điểm yếu trước đó trong nghiên cứu của tiến sĩ Hòa Anh. Ông ‘Tây’ đồng ý bán lại phát minh chủng lợi khuẩn cho tiến sĩ Hòa Anh khi được bàn giao hơn 1 kg thành phẩm sau hai tháng nghiên cứu, qua đó chứng minh khả năng sản xuất lợi khuẩn trên quy mô công nghiệp.

Sau khi trình thành quả này tại một hội nghị men vi sinh ở London gây tiếng vang lớn, tiến sĩ Hòa Anh đã thành lập Anabio, sản xuất loại men vi sinh dạng bào tử, đa chủng đầu tiên ở dạng nước. Tiến sĩ Hòa Anh cho biết, công nghệ này khắc phục được các nhược điểm của men vi sinh truyền thống, như đa chủng thay vì đơn chủng, nồng độ cao, chịu nhiệt độ lên đến 80oC và kháng axit trong dạ dày.

Mặt khác, vì ở dạng bào tử trong nước nên lợi khuẩn không mất nhiều thời gian để cơ thể hấp thụ như loại men vi sinh dạng bột, cốm. “Nuôi bào tử bằng đỗ tương, cứ 30 phút thu hoạch một lần, bào tử hòa vào nước và đóng gói, có thời gian sống từ 36 tháng tới vô hạn. Thành phẩm có thể dùng để xịt, có tác dụng ngay nên vừa rẻ, vừa nhanh mà hiệu quả,” tiến sĩ Nguyễn Hòa Anh nói.

Được công nhận về mặt khoa học nhưng công ty phát triển chậm, chủ yếu gia công cho các hãng dược của Ấn Độ và giới thiệu sản phẩm ở các hội thảo quốc tế. “Mới đầu tôi nghĩ công nghệ sẽ giúp mình giàu to, nhưng không phải,” ông Hòa Anh bật cười kể và tự giễu: “Tạo ra sản phẩm đột phá là một chuyện, tạo ra nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về sản phẩm là chuyện khác”.

Thấy tiềm năng của bào tử lợi khuẩn, ông Đặng Quốc Hưng (1975) và Dương Song Hà (1973) đề nghị cộng tác. Năm 2018, LiveSpo Global ra đời. Có nhiều kinh nghiệm về thương mại điện tử, trước tiên, ông Hưng thuyết phục các cộng sự đưa sản phẩm bán ở thị trường nước ngoài thông qua sàn Amazon. Kết hợp các phương pháp tiếp thị và bán hàng phi truyền thống, LiveSpo Pharma đạt hàng triệu đô la doanh thu sản phẩm lợi khuẩn từ sàn thương mại điện tử Amazon và thị trường quốc tế, với mức tăng trưởng bình quân trên 20%/năm.

Tổng giám đốc LiveSpo Đặng Quốc Hưng nắm giữ chiến lược bán hàng và thương hiệu, bày tỏ sự trân trọng tài năng của tiến sĩ Hòa Anh và lòng tin vào sản phẩm, và cho biết lòng tin là lý do chính để ông và cộng sự Dương Song Hà đến thuyết phục tiến sĩ Hòa Anh cùng nhau cộng tác, thương mại hóa sản phẩm.

Tiếp theo, ông Hưng xoay sang tính kế chiếm lĩnh thị trường trong nước, với sự hỗ trợ xây dựng đội ngũ từ ông Song Hà. “Là người ‘ngoại đạo’, tôi nghĩ đến những cách tiếp cận phi truyền thống để thúc đẩy thương hiệu, hoàn toàn khác với các công ty dược phẩm khác,” ông Hưng nói. 

Thông thường một sản phẩm dược mới ra mắt được giới thiệu qua kênh bác sĩ – bệnh viện và nhà thuốc. Theo ông Hưng, với sản phẩm trước đây chỉ sản xuất OEM (gia công theo đơn đặt hàng) chưa có tên tuổi, LiveSpo rất khó nhận được sự tin tưởng từ hệ thống bệnh viện – nhà thuốc trong nước. Họ chọn cách làm khác: bán hàng qua kênh mạng xã hội.

Bằng cách này, sản phẩm có cơ hội tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng để tạo ra nhu cầu, vượt qua rào cản nhận thức, sau đó mới tìm đến các kênh bệnh viện và quầy bán lẻ thuốc. Sau ba năm theo đuổi hướng tiếp thị ngược này, sản phẩm bào tử lợi khuẩn LiveSpo dần phổ biến tại Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước cũng được cập nhật nhiều kiến thức về lợi khuẩn và công dụng của chúng.

Năm 2021, Anabio, LiveSpo Global và LiveSpo Pharma đạt mốc doanh thu 200 tỉ đồng sau ba năm hoạt động, đồng thời nhận đầu tư 8,8 triệu đô la Mỹ từ quỹ Mekong Capital, dưới sự tư vấn của chuyên gia về lợi khuẩn người Úc Ben McHarg. Theo yêu cầu từ phía quỹ, việc kinh doanh cả ba công ty hợp nhất dưới tên LiveSpo Pharma.

Họ mở rộng dòng sản phẩm hỗ trợ đường tiêu hóa, đa dạng hóa danh mục sản phẩm liên quan đến đường hô hấp, phụ khoa, chăm sóc da và điều trị mụn trứng cá… Các sản phẩm của LiveSpo đều được cung cấp bởi nhà máy tại Yên Nghĩa, Hà Nội và được đăng ký với cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ.

LiveSpo là cái tên nổi bật khi công trình nghiên cứu sản phẩm men vi sinh xịt vào đường mũi đầu tiên trên thế giới được đăng trên Nature, một trong những tập san khoa học danh tiếng nhất vào tháng 7.2022. Báo cáo này cũng lọt top 100 nghiên cứu về vi sinh vật học có lượt tải về nhiều nhất năm 2022 của Nature, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đối với sản phẩm của đội ngũ người Việt.

LiveSpo tỏ ra biết mình, biết người. Họ tiên phong nhưng muốn sân chơi có nhiều bên để giáo dục, thay đổi nhận thức thị trường. Tiến sĩ Hòa Anh cho biết, ông ưu tiên xuất bản các nghiên cứu khoa học của mình trên diễn đàn thế giới hơn là việc đăng ký bảo hộ phát minh: “Việc đăng ký bảo hộ rất tốn kém, mà lại không có tác dụng lan tỏa đến cộng đồng và thị trường như đăng tạp chí khoa học”. Vị tiến sĩ tiết lộ đội ngũ do ông dẫn dắt đang chuẩn bị cho ít nhất 4-5 công trình tiếp theo để đăng tải trên Nature từ năm sau.

Theo hướng đi này, LiveSpo cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm khoa học với chủ đích gây tiếng vang trong ngành công nghiệp vi sinh thế giới. Gần nhất, sản phẩm vi sinh xịt đường mũi đã đại diện công ty tham gia triển lãm công nghệ sinh học hàng đầu BIO Boston, Mỹ vào tháng 6.2023.

CEO Đặng Quốc Hưng cũng thường xuyên sử dụng các hoạt động tiếp thị sáng tạo với chi phí thấp, như tạo ra các linh vật để hình tượng hóa các lợi khuẩn một cách vui nhộn làm TVC giới thiệu sản phẩm, quảng bá kiến thức về lợi khuẩn.

Đã quá lâu thị trường không có được những bước tiến rõ nét về công nghệ lợi khuẩn, kể từ khi Sanofi cho ra đời sản phẩm lợi khuẩn dạng hỗn dịch đơn chủng 65 năm trước. Với góc nhìn như vậy, các lãnh đạo công ty tin rằng LiveSpo có thể khuấy động thị trường này bằng cách giới thiệu “công nghệ đột phá”, qua đó kiếm được phần nhiều hơn khi cái bánh sản phẩm lợi khuẩn nở to ra.

Trên thế giới, thị trường thực phẩm chức năng và đồ uống có chứa lợi khuẩn có giá trị gộp ước đạt 42 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, theo báo cáo của hiệp hội Lợi khuẩn Quốc tế (IPA). Nhiều cơ hội cho các “tay chơi mới” do độ phân mảnh còn cao và mức tăng trưởng bình quân mỗi năm (CAGR) trên 3% cho đến 2026.

Ben McHarg, nhà sáng lập thương hiệu lợi khuẩn Life-Space (Úc), đưa ra con số xán lạn hơn nhiều, với mức CAGR từ 12–14% cho đến năm 2030. Ben đã bán Life-Space với giá hơn 700 triệu đô la Mỹ cho hãng thực phẩm chức năng lớn nhất Trung Quốc By-Health năm 2018.

Năm 2019, ông mở Brenteca Investments, một quỹ mạo hiểm chuyên đầu tư vào mảng y tế tại Úc và điều hành quỹ cho đến nay.  Vừa có năng lực chuyên môn, vừa là nhà đầu tư, Ben là chuyên gia lý tưởng mà Mekong Capital mời đến Việt Nam để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu (DD-dual diligence) cả về năng lực công nghệ lẫn kinh doanh của LiveSpo.

Trả lời Forbes Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn riêng rẽ, Ben McHarg lạc quan về tương lai sản phẩm lợi khuẩn. Theo đó, thị trường trong nước được đánh giá sẽ tăng trưởng rất nhanh với CAGR tương tự như thế giới, với giá trị hiện tại ước tính đạt trên 100 triệu đô la Mỹ.

“Tôi thấy LiveSpo có thuận lợi lớn để khai thác chi phí sản xuất cạnh tranh của Việt Nam nhằm mang lại lợi nhuận tăng trưởng cao trong nhiều năm. Bí quyết sản xuất và cơ sở vật chất đạt đẳng cấp thế giới, hơn cả cơ sở cũ của tôi tại Life-Space,” Ben McHarg nói.

CEO Đặng Quốc Hưng cho rằng LiveSpo tuy là một startup nhưng đã có sản phẩm và doanh thu chuyển đổi, việc kết hợp với Mekong Capital là ở tầm nhìn dài hạn hơn. Ông Hưng cho biết LiveSpo “chắc chắn sẽ niêm yết” trên sàn chứng khoán vào năm 2027 và không loại trừ việc niêm yết trên sàn quốc tế. Theo tự bạch, với tốc độ tăng trưởng doanh thu 20–30%/năm trong những năm gần đây, LiveSpo dự kiến đạt mốc doanh số 40–50 triệu đô la Mỹ khi IPO.

Lãnh đạo LiveSpo không giấu tham vọng đưa công ty trở thành kỳ lân đầu tiên về công nghệ dược sinh học của Việt Nam. Ông Hưng nêu ví dụ về một công ty cùng ngành có nhiều tương đồng là Biogaia (Thụy Điển). Được niêm yết năm 2021 sau gần 30 năm hoạt động, Biogaia được định giá ban đầu 1,2 tỉ đô la Mỹ với mức doanh thu hằng năm khoảng 90 triệu đô la, và hiện đang là công ty có vốn hóa tỉ đô.

CEO LiveSpo Pharma cho biết trong tương lai công ty sẽ tiếp tục quảng bá tính lành của lợi khuẩn, như một biện pháp hạn chế dùng kháng sinh, “vì một tương lai không kháng sinh”. LiveSpo sẽ luôn chọn cách xuất hiện và diễn ngôn mạnh mẽ, gây ấn tượng cả với giới học thuật, các công ty lẫn thị trường: “Chúng tôi muốn Việt Nam được biết đến không chỉ bởi xuất khẩu nông sản, khoáng sản mà còn là những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao.”

Theo Forbes Việt Nam số 120, phát hành tháng 9.2023

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/livespo-tham-vong-hoa-ky-lan-bang-san-pham-loi-khuan)