Tăm bông xét nghiệm COVID-19 đã biến CEO Stefania Triva của công ty Copan thành tỉ phú. Tuy nhận được vô số lời đề nghị mua lại, nhưng bà phớt lờ các nhà giao dịch và vẫn kiên trì giữ công ty thuộc sở hữu của gia đình.
Một ngày đầu tháng giêng đầy sương mù ở thành phố Brescia, miền bắc nước Ý, nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì đợt COVID-19 đầu tiên vào năm 2020, Stefania Triva, 57 tuổi, đặt hai cây tăm bông cạnh nhau trên bàn làm việc. Một là loại tăm bông Q-tip thông thường (dùng để ngoáy tai), loại còn lại là tăm bông xét nghiệm đặc biệt, được đính các sợi tổng hợp nhỏ giống như sợi tóc chẻ ngọn
Chiếc tăm bông đặc biệt đó do công ty 43 năm tuổi của gia đình bà, Copan, làm ra, là yếu tố quan trọng trong hàng trăm triệu xét nghiệm PCR COVID-19 đang được thực hiện trên thế giới. Ngồi trước bức tranh trừu tượng lớn màu đỏ xen vàng và tấm ảnh lớn chụp ba người con của bà, Triva nói chi tiết về những điểm khác biệt tinh tế khiến loại tăm bông của bà trở thành tiêu chuẩn vàng.
“Trong chiếc tăm bông, các sợi được xoắn xung quanh que, tạo ra một cái lồng giữ mẫu,” bà nói, chỉ vào chiếc tăm bông Q-tip được quấn dày. “Nhưng chiếc tăm bông loại thường chỉ có thể giải phóng 20% mẫu đó. Trong chiếc tăm bông xét nghiệm, nhờ vào cơ chế khác biệt khi gắn các sợi vào que, bạn có được kết quả ngược lại: giải phóng được 80% mẫu.”
Những chiếc tăm bông xét nghiệm đó do Copan phát minh vào năm 2003, hiện là đối tượng kiện tụng với đối thủ hàng đầu của họ, công ty Puritan Medical Products có trụ sở tại Maine – đã giúp thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của công ty. Copan sản xuất 415 triệu chiếc tăm bông xét nghiệm vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với năm 2019. Sau khi tăng cường sản xuất, Copan hiện có năng lực sản xuất một tỉ chiếc tăm bông mỗi năm.
Lãi thuần tăng gần gấp năm lần vào năm 2020, lên 79 triệu đô la Mỹ, trên doanh thu 372 triệu đô la Mỹ. Doanh thu năm 2021 tăng lên 445 triệu đô la Mỹ. (Lãi thuần vẫn chưa có vào thời điểm bài báo này được lên khuôn.) 84% doanh thu của Copan đến từ những chiếc tăm bông xét nghiệm đã được sử dụng trong ít nhất một tỉ xét nghiệm phân tử thực hiện tại các văn phòng bác sĩ và phòng khám trên khắp thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. (Con số đó không bao gồm tăm bông dùng để xét nghiệm nhanh hoặc bộ xét nghiệm tại nhà – là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Copan.)
Thành công đó đã đưa Triva, người nắm giữ 48% cổ phần tại Copan, vào hàng tỉ phú với giá trị ước tính 1,2 tỉ đô la Mỹ. Năm thành viên khác trong gia đình sở hữu phần còn lại của công ty, được Forbes ước tính 1,3 tỉ đô la Mỹ.
Sự thành công vượt bậc của Copan thu hút sự chú ý của một số quỹ đầu tư. Triva không nêu tên họ, nhưng con gái của người sáng lập công ty không có ý định bán doanh nghiệp. Bà thừa nhận: “Gần như mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được đề nghị mua lại.” Cháu trai của bà và cũng là người thừa kế 32 tuổi của Copan, Giorgio Triva, xác nhận lại: “Chúng tôi có quy mô tương tự như các công ty khác đang được các quỹ này tìm kiếm.”
Nhưng bất chấp sự bùng nổ các thương vụ SPAC và sự gia tăng của các đợt IPO ở trong và ngoài nước, trong đó có cả việc niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán New York vào tháng 7.2021 của Stevanato Group, một công ty gia đình khác của Ý sản xuất các lọ vaccine được hưởng lợi từ COVID – 19, bà không dự tính khai thác thị trường vốn từ đại chúng.
“Khi là một công ty đại chúng, bạn sẽ bị hạn chế về chiến lược và quyền quyết định,” bà nói. “Chúng tôi có tài chính vững chắc và độc lập, cho phép chúng tôi phát triển mà không cần tìm nguồn vốn từ bên ngoài.”
Sự tăng trưởng trong hai năm qua cho thấy Copan có thể tiếp tục mở rộng trong khi vẫn giữ vững quyền sở hữu trong gia đình. “Chúng tôi thích tự do, phong cách đa dạng, nhanh nhẹn và biết rằng đôi khi chúng tôi cần phải chấp nhận những rủi ro có tính toán,” Triva nói.
Điều đó có nghĩa là đầu tư vào một tương lai không phụ thuộc vào đại dịch. Ngoài các xét nghiệm y tế, công ty cũng sản xuất tăm bông chuyên dụng để thu thập DNA pháp y từ hiện trường vụ án.
Các khách hàng của họ đa dạng, từ Scotland Yard đến lực lượng Hiến binh Pháp (họ đã sử dụng tăm bông do Copan sản xuất để giúp xác định thủ phạm của vụ khủng bố Paris năm 2015.) Một chiếc tăm bông siêu nhỏ mà Copan và Hiến binh Pháp cùng nhau phát triển cho phép các nhà chức trách phân tích DNA từ bất kỳ chất dịch cơ thể nào, hoặc chỉ là dấu vân tay, trong vòng chưa đầy hai giờ.
Ngoài tăm bông, Copan còn có một sản phẩm công nghệ cao và có khả năng sinh lợi cao hơn: một bộ máy móc và phần mềm tự động hóa nhiều quy trình trong phòng thí nghiệm, từ xét nghiệm nước tiểu thông thường đến các bệnh nhiễm khuẩn phức tạp. Tự động hóa cho phòng thí nghiệm, với doanh thu năm tỉ đô la Mỹ mỗi năm, có tiềm năng trở thành thị trường lớn hơn nhiều so với tăm bông.
“Chúng tôi thực hiện một số đổi mới trong tự động hóa giúp tạo ra cuộc cách mạng về vi sinh,” Triva nói khi nhìn qua các nhà kho và nhà máy rộng lớn bên ngoài cửa sổ văn phòng mình.
Copan ra mắt tại thành phố Mantua, miền bắc nước Ý vào năm 1979, do cha của Triva, Giorgio Triva, thành lập. Ban đầu Copan chỉ phân phối các sản phẩm phòng thí nghiệm do những công ty khác sản xuất, như ống nghiệm. Công ty bắt đầu sản xuất tăm bông năm 1982, cùng năm đó, anh trai của Stefania, Daniele, kỹ sư hóa học, gia nhập công ty gia đình và làm tổng giám đốc.
Gây tiếng vang nhờ doanh số bán sản phẩm cao, gồm cốc lấy mẫu cho máy phân tích máu đã có vị trí vững chắc ở Nhật Bản – Copan mở rộng ra nước ngoài, mở công ty con ở California vào năm 1995. Ba năm sau, Copan chuyển đến địa điểm hiện tại là một trung tâm sản xuất lớn ở Brescia.
Daniele Triva tiếp quản công ty sau khi cha ông qua đời năm 2000. Copan thay đổi mãi mãi vào năm 2003, khi ông tiên phong trong lĩnh vực tăm bông xét nghiệm phổ biến hiện nay. Trong khi đi sắm áo khoác mùa đông, Daniele chú ý đến cách các dải sợi ni lông trên móc quần áo dính chặt vào vải, và ông tự hỏi liệu mình có thể làm điều tương tự cho tăm bông hay không. Ông yêu cầu các kỹ thuật viên thiết kế chiếc tăm bông với các sợi kết dính có thể hoạt động như miếng bọt biển và giải phóng nhiều vật liệu mẫu hơn chiếc tăm bông Q-tip thông thường. Ông hứa sẽ đãi họ pizza miễn phí nếu họ thành công.
Họ thành công và công nghệ mới mà họ phát triển đã tạo ra cuộc cách mạng về chẩn đoán, giúp việc tiến hành các xét nghiệm thông thường đối với virus cũng như các bệnh nhiễm khuẩn trở nên dễ dàng hơn. Triva nhăn mặt nhớ lại: “Trước khi có tăm bông xét nghiệm, họ dùng dây nhôm để lấy mẫu trong mũi.”
—————————————-
SÁCH LƯỢC
Theo Jon D. Markman, chủ tịch của Markman Capital Insight và là biên tập viên của Fast Forward Investment.
Đại dịch toàn cầu buộc các công ty chăm sóc sức khỏe phải nhanh nhạy và đổi mới hơn. Cách tốt nhất để tham gia xu hướng này là đầu tư vào công ty Danaher. Tập đoàn có trụ sở tại Washington, D.C. kiểm soát 20 doanh nghiệp khoa học và chăm sóc sức khỏe được vận hành theo chiến lược kinh doanh chung. Công ty con của tập đoàn này, Cepheid, đã được FDA phê chuẩn bộ xét nghiệm nhanh virus corona vào tháng 3.2020, với kết quả có sẵn chỉ sau 45 phút. Sự đổi mới này là tiền đề của một giai đoạn xét nghiệm mới. Hồi tháng 1.2021, các giám đốc điều hành của Danaher đã ước tính doanh thu năm 2021 đạt khoảng 29 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với một năm trước. Theo đà doanh số, cổ phiếu có thể đạt mức 380 đô la Mỹ trong 18 tháng tới, tăng 46% so với mức hiện tại.
—————————————–
Trong mười năm tiếp theo, Copan mở rộng nhà máy ở California và mở văn phòng tại Thượng Hải. Công ty bắt đầu đầu tư vào tự động hóa năm 2007, chế tạo ra những máy độc quyền gọi là “bộ xử lý mẫu vật di động,” xử lý tự động hàng ngàn mẫu mỗi ngày, 24/7. Bắt đầu từ năm 2012, Copan bị lôi vào cuộc chiến vi phạm bằng sáng chế với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, Puritan Medical Products, sau khi công ty Mỹ này bắt đầu sản xuất tăm bông. Copan cáo buộc Puritan vi phạm một số bằng sáng chế. Cuộc chiến pháp lý diễn ra trong một thập niên và không có dấu hiệu hạ nhiệt, với nhiều phán quyết và kháng cáo khác nhau tại các tòa án từ Maine đến Đức và Thụy Điển.
“Họ luôn là đối thủ cạnh tranh ‘bất hợp pháp’ của chúng tôi,” Triva nói. Vụ kiện đang diễn ra chống lại Puritan tại tòa án quận Maine của Hoa Kỳ được bảo lưu vào tháng 5.2020 để hai công ty tập trung vào sản xuất tăm bông trong đại dịch; hiện vụ kiện đang được tiếp tục. Puritan phủ nhận cáo buộc nhưng từ chối bình luận cho bài báo này.
Một diễn biến đau lòng xảy ra vào năm 2014, khi Daniele qua đời ở tuổi 54 sau bảy tháng bị ung thư. Stefania, người bắt đầu làm việc tại công ty từ khi còn học đại học, từng là giám đốc phụ trách các vấn đề quản lý và đảm bảo chất lượng, đã tiếp quản công việc. “Đó là giai đoạn rất bi thảm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc,” bà nói, ngừng một chút để lấy lại hơi thở. “Điều băn khoăn duy nhất là khả năng tiếp tục phát triển của chúng tôi, bởi vì anh trai tôi là nhà lãnh đạo rất quan trọng. Vì vậy, tôi đã gặp tất cả nhân viên lâu năm và mời gọi họ cùng chung tay. Tôi nói với họ ‘Chúng ta chỉ có thể tồn tại nếu sát cánh bên nhau.’”
Dưới sự lãnh đạo của bà, Copan không ngừng tiến lên. Công ty thành lập cơ sở kỹ thuật mới gần trụ sở chính năm 2016, sau đó mở các văn phòng và nhà máy mới ở Nhật Bản, Úc và Puerto Rico. Nhưng Triva và cả công ty đều bất ngờ khi COVID-19 tấn công Ý đầu năm 2020. Ca nhiễm đầu tiên ở nước này được chẩn đoán vào ngày 20.2.2020 tại thị trấn nhỏ Codogno, cách Brescia khoảng 80km về phía tây nam, dĩ nhiên, với chiếc tăm bông do Copan sản xuất.
Đối mặt với tình huống khẩn cấp quốc gia, Copan bố trí nhân viên làm việc liên tục cả tuần để đáp ứng yêu cầu của chính phủ Ý về tăm bông xét nghiệm. Công ty cũng tăng cường sản xuất để đáp ứng nguồn cung cho Hoa Kỳ và các máy bay của lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống Brescia cuối tháng ba và vào tháng tư để nhận tổng cộng bốn triệu chiếc tăm bông.
“Brescia đã bị tàn sát vì COVID-19, nhưng các nhân viên của chúng tôi luôn túc trực ở đó,” Triva nói, nhớ lại thời điểm thành phố 200 ngàn dân và các tỉnh xung quanh ghi nhận hàng chục ca tử vong liên quan đến COVID mỗi ngày. “Tất cả những gì bạn có thể nghe thấy là tiếng còi xe cứu thương, nhưng nhân viên vẫn làm việc, kể cả vào cuối tuần và ngày lễ.”
Công ty thuê hàng trăm nhân công mới để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến. Họ cũng nhận được hai khoản tài trợ trị giá 10 triệu đô la Mỹ mỗi năm vào năm 2020, một khoản từ quỹ Sản xuất tiên tiến của Apple để xây dựng nhà máy mới ở California, khoản còn lại từ bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để tăng sản lượng tại nhà máy ở Puerto Rico.
Công ty cũng tăng gấp đôi năng lực sản xuất trong lĩnh vực robot, tung ra cỗ máy UniVerse tự động hóa việc chuẩn bị mẫu cho các xét nghiệm y tế đối với COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác bao gồm bệnh lao. Điều này giúp giảm bớt khối lượng công việc cho các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đang bị quá sức, để tập trung vào các nhiệm vụ khác.
Cải tiến mới nhất của Copan là chiếc máy giúp giảm 80% thời gian chẩn đoán đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra. Trí tuệ nhân tạo tích hợp sẵn giúp hệ thống luôn hoạt động trơn tru. Các xét nghiệm có thể được hoàn thành trong khoảng bốn giờ và các mẫu âm tính sẽ được tự động đưa vào thùng rác.
Chiến lược này dường như đang có hiệu quả: Copan WASP, bộ phận tự động hóa của công ty, đã ghi nhận doanh thu 54 triệu đô la Mỹ trong chín tháng đầu năm 2021, tăng 39% so với năm trước và vượt xa doanh thu cho cả năm 2020. Công ty cho biết bộ phận này chiếm gần 1/5 tổng doanh số. Triva cho rằng thành công này có được nhờ sự cố gắng của công ty và cả di sản của anh trai bà: “Daniele đã gieo mầm văn hóa doanh nghiệp,” bà nói, “không chỉ cho tôi mà cho toàn bộ công ty.” Chừng nào bà còn phụ trách, truyền thống đó và chính công ty Copan, sẽ vẫn còn thuộc về gia đình.
Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam số 103, tháng 3.2022
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/lam-giau-tu-tam-bong-xet-nghiem)