Trong nước

Làm gì để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động?

Đan xen giữa rất nhiều thông tin về thuế quan và thỏa thuận tạm thời hoặc đàm phán mới của Hoa Kỳ với các nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị và hành động ra sao?

Share
this:

Đây là câu hỏi mà doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất tại cuộc hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” ngày 22.5.2025.

Chia sẻ với các khách tham dự, TS. Huỳnh Thế Du nhắc lại các cột mốc gần nhất: ngày 12.5.2025, Mỹ và Trung Quốc thống nhất tạm hoãn áp thuế 90 ngày – bước “hạ nhiệt” quan trọng giúp khơi lại đàm phán, đồng thời mang đến khả năng nhìn nhận lại giữa các bên để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, Mỹ đã ký riêng với Vương quốc Anh thoả thuận thuế đối ứng trong các lĩnh vực then chốt: công nghệ, thép, tài chính và an ninh thương mại. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Việt đã chia sẻ những nhận định riêng. TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, chuyên gia về kinh tế phát triển và giảm nghèo, nhận định rằng dù Mỹ sẽ công bố mức thuế cho các quốc gia sắp tới, nhưng các cuộc thỏa thuận vẫn chưa dừng lại và có thể thay đổi tiếp tục.

Doanh nghiệp ngành Thủy sản cần đa dạng nhiều thị trường để giảm thiểu rủi ro thuế quan từ Hoa Kỳ.

Điều lo ngại nhất theo ông đó là những ngành như điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ… Việt Nam vốn xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị tác động thuế quan và ảnh hưởng lên người lao động. Ước tính các ngành dệt may, giày da, thủy sản… có khoảng 3 triệu lao động chịu ảnh hưởng.

Trong bối cảnh chung, ông Tùng đánh giá Chính phủ Việt Nam đã phản ứng ngoại giao rất tốt, chủ động liên hệ và đề xuất giải pháp. Việt Nam vẫn đang theo sát tình hình, nỗ lực đàm phán để đạt được mức thuế quan ưu đãi – ít nhất là ngang bằng hoặc thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Indonesia, Ấn Độ và Malaysia.

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Global AAA Consulting, cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã thành lập bộ phận tư vấn riêng để đánh giá rủi ro và xây dựng chiến lược ứng phó. Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn khá bị động, chủ yếu chờ đợi diễn biến trong 90 ngày tới.

Ông đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần bám sát tình hình, đóng vai trò đầu mối cung cấp thông tin kịp thời, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong ứng biến.

“Nếu cứ chờ đến ngày cuối thì doanh nghiệp sẽ càng bị động. Doanh nghiệp nên củng cố nội lực, phải đa dạng thị trường. Đặc biệt sau hàng rào thuế quan còn là hàng rào phi thuế quan, phải chuẩn bị tích cực những điều kiện sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị cho vượt thêm trở ngại này,” ông nhấn mạnh.

“Sau hàng rào thuế quan còn là hàng rào phi thuế quan.”

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Global AAA Consulting

PGS. Nguyễn Thu Trang, Trường Luật Beasley thuộc Đại học Temple, cho biết hiện đã bước sang ngày thứ 46 trong hạn 90 ngày của Mỹ. Chiến lược đàm phán tiếp theo vẫn chưa thể đoán định, nhưng có một điều chắc chắn: Mỹ lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng chiến lược như thép, dược phẩm và công nghệ cao.

Các chuyên gia nhận định, việc các công ty công nghệ chuyển sản xuất về Mỹ theo kỳ vọng của chính quyền là điều khó đoán, do thay đổi chuỗi sản xuất liên quan đến nhiều yếu tố phức tạp như xây dựng nhà máy, nhân lực công nghệ cao và chi phí. Trước đó, Mỹ đã ban hành Đạo luật Chips (2022) nhằm khuyến khích các “ông lớn” ngành bán dẫn như TSMC, Micron, Samsung, Texas Instruments và GlobalFoundries mở rộng sản xuất tại Mỹ thông qua các khoản trợ cấp đáng kể từ chính phủ. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều biến động dồn dập, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là giữ bình tĩnh, củng cố nội lực, minh bạch nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ để chủ động ứng phó với thay đổi. Bên cạnh đó, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh), lưu ý rằng các thỏa thuận và thuế quan vẫn có thể thay đổi dưới thời Tổng thống Trump, nên doanh nghiệp cần đủ linh hoạt để thích ứng.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ năm 2024. Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam, VNDIRECT RESEARCH

Ông Tuấn cho rằng nếu doanh nghiệp Việt muốn mở rộng sang các thị trường khác như Anh, châu Âu, cũng cần lưu ý các yêu cầu khắt khe về chất lượng, môi trường và điều kiện lao động. Do đó, doanh nghiệp cũng cần củng cố năng lực sản xuất, quản trị và đa dạng hóa thị trường. “Thời điểm càng bất định thì càng phải linh hoạt và phản ứng nhanh nhất có thể,” ông nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thu Trang gợi ý Chính phủ và doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hồng Kông (Trung Quốc), như minh bạch hóa dữ liệu thương mại, chủ động tuân thủ quy định của WTO và Mỹ, thiết lập hệ thống kiểm soát xuất xứ, ngăn hàng hóa nước khác “đội lốt” xuất xứ Hồng Kông (Trung Quốc) để né thuế và xây dựng niềm tin qua đối thoại trực tiếp với giới chức Mỹ, đưa ra các báo cáo kỹ thuật và quy trình cấp CO (chứng nhận xuất xứ) đáng tin cậy.

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/lam-gi-de-giam-thieu-rui-ro-khi-thi-truong-bien-dong)