Thị Trường

Đông Nam Á ngày càng dư thừa nhiều hàng hóa?

13 giờ trước
Nguồn: Nikkei Asia

Lạm phát giảm mạnh tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, làm dấy lên lo ngại về tình hình tiêu dùng yếu, khó xuất khẩu sang Hoa Kỳ do thuế quan và hàng giá rẻ Trung Quốc liên tục đổ về.

Share
this:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thái Lan trong tháng 6 ít hơn cùng kỳ năm trước 0,25%. Trước đó tháng 5 cũng ít hơn 0,57%.

Ông Poonpong Naiyanapakorn, người đứng đầu văn phòng chính sách của Bộ Thương mại Thái Lan thông tin, giá thực phẩm và năng lượng liên tục xuống thấp. Thời tiết tốt và vụ mùa bội thu nên thực phẩm có nguồn cung dồi dào. Vì vậy, lạm phát thấp không có nghĩa là người dân hạn chế chi tiêu.

Đông Nam Á đang có dấu hiệu dư thừa hàng hóa khi lạm phát liên tục giảm. Ảnh: Strait Times

Ông Denise Cheok, chuyên gia phân tích tại Moody’s Analytics nói: “Thái Lan dễ bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm phát. Ngành du lịch vẫn chưa phục như trước đại dịch. Điều này một phần vì suy giảm nguồn khách Trung Quốc.”

Ngoài ra, Thái Lan cũng đang trong cuộc khủng hoảng chính trị, khi Thủ tướng Paetongtarn bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ, liên quan đến cuộc điện đàm giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.

Trong báo cáo tháng 6, ngân hàng Maybank nói rằng bất ổn chính trị kéo dài làm chậm tăng trưởng của Thái Lan trong nửa sau của năm 2025 và cả năm 2026. Bất ổn chính trị ảnh hưởng tiêu cực tới tiêu dùng hộ gia đình, chi tiêu công và niềm tin nhà đầu tư.

Nền kinh tế tiên tiến hàng đầu khu vực là Singapore, chứng kiến lạm phát thấp bất thường 0,8% vào tháng 6. Đây là mức thấp nhất từ năm 2021 khi Covid-19 bùng phát.

Tại Malaysia, lạm phát tháng 6 là 1,4% và tháng 5 là 1,2%. Đây cũng là mức thấp nhất trong 4 năm. Giảm tốc diễn ra trên diện rộng. Lĩnh vực giảm nhiều nhất là thông tin truyền thông, quần áo và giày dép.

Nhiều người hoan nghênh hàng hóa giá rẻ, lưu ý mức tăng đột biến sau đại dịch. Tuy nhiên một số cho rằng, giá tiêu dùng thấp phản ánh sự trì trệ của nền kinh tế.

Ông Jamus Lim, chuyên gia thương mại tại trường kinh doanh ESSEC ở Singapore chia sẻ: “Xu hướng giảm phát nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư. Thuế quan của ông Trump cũng làm tăng sự bất ổn, khi hàng hóa dư thừa không xuất khẩu được ngày càng nhiều.”

Vị chuyên gia cũng đề cập đến dòng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt được rao bán trên các nền tảng trực tuyến. Kinh tế ảm đạm của Trung Quốc bắt nguồn từ lĩnh vực tiêu dùng chưa cho thấy sự cải thiện, do vậy các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu ra bên ngoài, nhất là tới ASEAN.

Ông Lavanya Venkateswaran chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Oversea Chinese Banking Group ở Singapore chia sẻ: “Trung Quốc đại lục là bên nhập khẩu ròng từ ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) vào năm 2014, đã trở thành bên xuất khẩu ròng vào năm 2024, nhất là những mặt hàng tiêu dùng và đồ điện tử. Các mặt hàng này có tính cạnh tranh về giá rất tốt.”

(Biên dịch: NVP)

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/dong-nam-a-ngay-cang-du-thua-nhieu-hang-hoa)