Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và đang khát khao 20 năm tới trở thành nước thu nhập cao. Vậy, làm sao đạt được mục tiêu này?
Để cất cánh, phải tăng trưởng kinh tế cao liên tục: Nhật Bản gần 8,5% trong 11 năm, Hàn Quốc trên 9% suốt 30 năm, Israel trên 10% trong 22 năm, còn Trung Quốc vượt 9,8% cả 37 năm mà vẫn chưa đạt ngưỡng nước có thu nhập cao.
Việt Nam trong 19 năm trước đây, nhanh nhất chỉ tăng trên 7% rồi chậm lại, có ba kế hoạch 5 năm không đạt mục tiêu (năm 2025 phải tăng trưởng 10,1% mới đạt mức kế hoạch 6,5%). Vậy vì sao “đổi mới mô hình tăng trưởng” đề ra từ năm 2011 đến nay vẫn chưa hoàn thành?
Trong mô hình “cũ”, không gian kinh tế Việt Nam bị chia đôi: trọng điểm là TP.HCM + 6 tỉnh Đông Nam Bộ, đóng góp 42% ngân sách và Hà Nội + 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng đóng góp 30%. Hai không gian trên là động cơ kinh tế chính, bù đắp cho 44 tỉnh, thành còn lại. Nhờ ưu tiên cơ sở hạ tầng và dịch vụ, vùng đầu tàu sản xuất tập trung giai đoạn đầu phát triển mạnh. Sau đó, di cư dồn nén và đầu tư san sẻ làm hai thành phố lớn và vùng kinh tế trọng điểm quá tải nhà ở, giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường và các vấn đề xã hội trong khi phải mở rộng sản xuất để gánh vác cho các địa phương khác làm kéo dài tụt hậu và kém chủ động.
Tổ chức cũng chia cắt, kinh tế tư nhân đóng góp chính trong ba “thành phần kinh tế” (hơn 50% GDP, tạo 85% việc làm) bị kẹp giữa kinh tế nhà nước (giữ rịt lấy các yết hầu kinh tế) và doanh nghiệp nước ngoài lấn nhanh vào các lĩnh vực then chốt. Hai nhóm này cùng đóng góp khoảng 20% GDP và 8–9% việc làm. Tuy nhiên, kinh tế nhà nước cổ phần hóa chậm, một thời gian dài chiếm gần 40% độc quyền sản xuất phân bón, khai mỏ, dịch vụ thiết yếu, ngân hàng, xây dựng… Còn FDI giai đoạn 2011–2015, chiếm 25% đầu tư xã hội trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và lợi nhuận cao như kinh doanh, chế biến nông sản, dịch vụ du lịch, công nghiệp chế tác quan trọng… Vì thế, kinh tế tư nhân chậm lớn.
Trong nguồn lực, tiền vốn đóng vai trò chính (khoảng 53% tăng trưởng kinh tế) nhưng hiệu quả thấp. Đầu tư công nhiều hơn tư nhân, vốn xã hội huy động kém, tỷ lệ tiết kiệm 2018 chỉ 22,6%, dưới mức trung bình thế giới. Chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) giai đoạn 2016–2019 tới 6,14 (mức các nước đang phát triển khoảng 3). Dân số già hóa nhanh mà lao động chỉ đóng góp khoảng 7% trong tăng trưởng GDP, năng suất lao động thấp. TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) đạt 44,5% trong tăng trưởng GDP 2016–2020 nhưng tỷ lệ khoa học công nghệ đóng góp nhỏ. Đất không thể hiện rõ vai trò trong mô hình tăng trưởng dù theo Cục Thống kê, thị trường bất động sản góp 4,51% trong GDP. Tài nguyên tự nhiên cạn nhanh.
Kết cấu ngành kinh tế đơn điệu, cạnh tranh ngang với nhau trong nước. Ba nhóm ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và sửa chữa chiếm 45–60% GRDP mọi vùng (trừ Tây Nguyên). Hà Nội làm nông nghiệp như một tỉnh đồng bằng sông Hồng, TP.HCM làm công nghiệp như tỉnh Đông Nam Bộ. Mọi địa phương bất kể lợi thế đều phát triển công nghiệp. Thế nhưng, tỉnh công nghiệp hóa cao thì 66–77% cư dân vẫn ở nông thôn. Giữa Đồng Nai, Vĩnh Phúc (GDP nông nghiệp 6–7%) với tỉnh “thuần nông” như Thái Bình, An Giang (GDP nông nghiệp 35–36%) thì GDP/người chỉ cao gấp đôi, thu nhập đầu người tương đương hay gấp rưỡi. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh/thành phố) tăng không cải thiện rõ thu nhập và đời sống mà tăng lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường và vấn nạn xã hội.
Mô hình kinh tế mới phải xử lý được các vấn đề không gian, tổ chức, nguồn lực và ngành nghề. Thứ nhất, bố trí ngành trong không gian để phát huy lợi thế quốc gia và từng vùng, tạo giá trị gia tăng đặc thù. Ví dụ: nông nghiệp ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, công nghiệp ở Đông Nam Bộ và trung du miền Bắc, dịch vụ ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung Bộ, kinh tế rừng ở miền núi phía Bắc. Tại mỗi nơi, Chính phủ cần gắn cung cấp nguyên, vật liệu với các cụm công nghiệp, kỹ thuật chế biến và dịch vụ, gắn đô thị với nông thôn; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho từng ngành nghề để tạo giá trị gia tăng. Tất cả các vùng đều trở thành động lực kinh tế, đóng góp ngân sách, có tích lũy đầu tư.
Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “xương sống” trong mô hình tăng trưởng mới, cần đột phá vào khâu then chốt nhất là tổ chức và thể chế.
Hình thành các hệ sinh thái tổ chức sản xuất, kinh doanh để huy động nội lực, tự tích lũy tái sản xuất mở rộng. Kinh tế hộ phải khởi nghiệp lên doanh nghiệp; doanh nghiệp lớn và xuyên quốc gia phải kết nối, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi giá trị. Tất cả các tổ chức sản xuất kinh doanh đều công bằng tiếp cận tài nguyên, phân bổ tài nguyên theo cơ chế thị trường hiệu quả. Đầu tư nhà nước dẫn dắt, tạo tích lũy cho đầu tư tư nhân. Phát triển tài nguyên con người từ lao động sang tay nghề và trí tuệ. Hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, huy động tài nguyên ngoại sinh để tích lũy trí tuệ nội sinh làm động lực phát triển.
Những thập niên gần đây, có tới 40% kinh tế toàn cầu và 75% dân số thế giới cũng áp dụng mô hình kinh tế “cũ” như Việt Nam, đang tắc trong “bẫy thu nhập trung bình”: đánh đổi tăng trưởng bằng tập trung công nghiệp, chia cắt kinh tế theo không gian và tác nhân. Nếu không kể các nước giàu lên nhờ tài nguyên và các nước gia nhập liên minh châu Âu, thì chỉ vài nền kinh tế như Singapore, Hàn Quốc, Israel và Đài Loan (Trung Quốc) tự vượt lên được mức thu nhập cao. Họ đều phát huy lợi thế để chọn ngành ưu tiên, phát triển bao trùm, gắn kết và huy động các tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nước, lấy nội lực để tích lũy đầu tư, tạo giá trị gia tăng. Nhân tố quyết định là đổi mới thể chế từ quốc gia đến cơ sở.
Ở Việt Nam, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển và nhiều đề xuất quan trọng được đưa ra. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành “xương sống” trong mô hình tăng trưởng mới, cần đột phá vào khâu then chốt nhất là tổ chức và thể chế để khắc phục cho được điểm yếu chí tử của nó là xuất phát điểm thấp kém: vốn ít, công nghệ yếu, quy mô nhỏ, hoạt động riêng rẽ…, dẫn đến cạnh tranh kém và luôn rủi ro, trong khi nền tảng khởi điểm là kinh tế hộ cũng nhỏ lẻ, khó khởi nghiệp thành doanh nghiệp. Mọi hỗ trợ từ bên ngoài phải bắt đầu từ tổ chức lại.
• Thứ nhất về tổ chức, cần đổi mới các hiệp hội doanh nghiệp để các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, có đại diện đáng tin cậy đối thoại và thương thảo với nhà nước. Với các đối tác trong và ngoài nước, có đầu mối để tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp ý kiến, tham gia quản lý. Đổi mới căn bản để các hợp tác xã thực sự trở thành đầu mối đủ mạnh trong liên doanh liên kết, làm bà đỡ giúp kinh tế hộ đủ sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cấp lên doanh nghiệp. Các tổ chức này cần trở thành đại diện thực chất cho thành viên (do họ bầu lên và đóng góp kinh phí, có cơ chế trích quỹ hoạt động…)
• Thứ hai về cơ chế hoạt động, cần trao quyền cho các tổ chức doanh nghiệp và kinh tế hộ để hoạt động theo cơ chế cộng đồng (phi lợi nhuận, phục vụ thành viên), bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên (trước pháp luật và cam kết quốc tế, trong tranh chấp kinh tế) được phân quyền hỗ trợ (cung cấp dịch vụ, hỗ trợ nguồn lực, tăng cường năng lực), được phân cấp tham gia quản lý (tiêu chuẩn kỹ thuật, hoạt động thị trường, bảo vệ môi trường, phúc lợi lao động,…). Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết công tư (đầu tư, quản lý, cung cấp sản phẩm công, đóng góp xã hội,…). Các hợp tác xã tập trung phải làm tốt 3 chức năng chính: cung cấp vật tư đầu vào; hỗ trợ dịch vụ sản xuất, kinh doanh; tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
• Thứ ba, chính sách phải tạo động lực phối hợp đội hình các thành phần kinh tế: chọn lọc doanh nghiệp nước ngoài (công nghệ cao, lan tỏa tốt, có thị trường,…); hướng doanh nghiệp nhà nước vào lĩnh vực đặc biệt (công ích, ít lợi nhuận, rủi ro cao…). Kinh tế nhà nước và nước ngoài mở đường vào lĩnh vực mới, thị trường mới rồi trao lại doanh nghiệp trong nước tiếp quản. Hỗ trợ các hiệp hội và hợp tác xã đặc thù (của phụ nữ, đồng bào thiểu số, địa bàn quan trọng,…); hỗ trợ hiệp hội ở lĩnh vực ưu tiên (doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nông nghiệp…). Hợp tác xã được hỗ trợ cơ sở hạ tầng và tiếp cận vốn, tài nguyên; được ưu tiên hoạt động tạo giá trị (logistic, bảo quản, chế biến, phân phối nông sản…).
Giữa một thế giới đầy biến động, cạnh tranh quyết liệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển khoa học công nghệ thì đổi mới mô hình tăng trưởng là nền tảng căn bản để kinh tế tư nhân phát huy vai trò động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Yếu tố quyết định là đổi mới thể chế để hình thành một nhà nước kiến tạo phát triển, cho phép huy động sức mạnh toàn dân tộc, nâng tăng trưởng kinh tế lên mức kỷ lục và bền vững.
TS. Đặng Kim Sơn là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doi-moi-mo-hinh-tang-truong-trong-ky-nguyen-moi)