Trước chính sách tăng thuế có thể được Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành bất kỳ lúc nào, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp như cắt giảm chi phí, giảm chi phí vận hành, và tìm kiếm các thị trường mới ngoài Mỹ để đối phó.
Chia sẻ với báo chí ngày 20.2 bên lề sự kiện tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2025 (Economic Outlook 2025), bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư của Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết rằng với biên lợi nhuận của các ngành sản xuất xuất khẩu thường dao động trong khoảng 6-7%, việc tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ ngay lập tức tác động xấu đến lợi nhuận của doanh nghiệp Việt. Bà Hạnh cũng cảnh báo rằng giá nguyên liệu đầu vào có thể tăng, dẫn đến sự gia tăng chi phí sản xuất.
Để đối phó, nhiều doanh nghiệp đã và đang kiểm soát chặt chẽ chi phí và nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng ngoài Mỹ.
“Các mặt hàng như nông sản, thủy sản, may mặc là những lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu vào Mỹ. Nhờ có kinh nghiệm mở rộng thị trường và phân tán rủi ro trong suốt 3 năm đại dịch Covid, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị tốt,” bà Hạnh nhận xét.
Dù vậy, việc mở rộng thị trường không phải là điều dễ dàng, và chính sách tăng thuế của ông Trump không chỉ ảnh hưởng đến một số quốc gia hay nhóm mặt hàng nhất định. Chính sách này còn tác động sâu rộng đến dự báo kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt mức 6,7%, trong đó tăng trưởng nửa đầu năm sẽ là 7,5%, trong khi nửa cuối năm sẽ giảm xuống còn 6,1%.
“6,7% là mức thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nhưng với chúng tôi vẫn là cao. Tăng trưởng sẽ mạnh hơn trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của năm ngoái. Tuy nhiên, nửa sau năm 2025, những tác động của các chính sách thuế mà Chính phủ Trump áp dụng lên toàn cầu sẽ được phản ánh rõ rệt,” ông Tim nhận định.
Đó là khi mức thuế mới được áp trên bình diện toàn cầu đối với một số mặt hàng, bên cạnh nhôm, thép thì có thể sẽ có thêm xe hơi, chất bán dẫn, dược phẩm. Hoặc có thể có những mức thuế song phương, đánh thuế qua lại với từng đối tác thương mại của Mỹ. “Có nhiều yếu tố bất định trong lĩnh vực thương mại… Đó là lý do chúng tôi thận trọng hơn trong việc đưa ra dự báo tăng trưởng nửa cuối năm,” ông Tim nói thêm.
Liên quan đến chính sách thuế của ông Trump, vào ngày 18.2, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các nhà xuất khẩu ô tô, dược phẩm và bán dẫn vào Mỹ.
Ông Tim cũng lưu ý về các yếu tố phức tạp trong bối cảnh kinh tế năm 2025 mà các doanh nghiệp có thể đối diện, đồng thời cảnh báo về khả năng lạm phát có thể gia tăng so với mức thấp trong các năm qua.
“Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp càng lâu càng tốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%. Tuy nhiên, tăng trưởng cao có thể đi kèm lạm phát cao. Chúng tôi dự báo lạm phát Việt Nam sẽ tăng lên, dự báo ở mức 4,5%,” ông Tim chia sẻ.
Bà Hạnh cho rằng, lạm phát 4,5% sẽ không phải là mối đe dọa lớn đối với doanh nghiệp và các định chế tài chính nếu tăng trưởng kinh tế đạt 8%. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/doanh-nghiep-cat-giam-chi-phi-de-doi-pho-voi-chinh-sach-tang-thue-cua-tong-thong-trump)
2 tháng trước
Động thái mới của Mỹ về trình duyệt Chrome2 tháng trước
CEO tập đoàn Boeing có chỉ đạo đáng chú ý với nhân viên1 tuần trước
Mỹ sắp áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu1 ngày trước
Trung Quốc lên án thuế quan của Hoa Kỳ tại WTO