Danh sách

“Đất vàng” sân bay giúp SCS ngược dòng tăng trưởng trong đại dịch

1 năm trước
Tác giả Minh Tâm

Nhờ lợi thế khai thác một phần nhà ga hàng hóa tại cảng hàng không
quốc tế Tân Sơn Nhất, cửa ngõ giao thương hàng không quan trọng nhất, công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (HOSE: SCS) duy trì tăng trưởng trong đại dịch.

Share
this:

Sáng sớm tinh mơ ngày 3.4.2011, chuyến bay số hiệu CV 7325 của hãng hàng không vận tải hàng hóa Cargolux đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau hành trình Dammam (DMM–Saudi Arabia) – TP.HCM (SGN–Việt Nam) rồi lăn bánh về nhà ga hàng hóa SCS. Hơn 31 tấn hàng nhanh chóng được giải phóng và 56 tấn hàng xuất đi lập tức thế chỗ. Gần hai giờ sau đó chuyến bay cất cánh. Đây là chuyến hàng đầu tiên mà hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất châu Âu thời điểm đó sử dụng dịch vụ của SCS.

Với lợi thế sân đậu máy bay ngay trước nhà ga và hệ thống trang thiết bị hiện đại mới đưa vào hoạt động, thời gian phục vụ mặt đất tại nhà ga của SCS rút xuống còn 90 phút, giảm 30 phút so với trước đó. Ông Nguyễn Quốc Khánh, tổng giám đốc SCS kể trong cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam tại văn phòng SCS vào trung tuần tháng 5.2022: “Chính ông phó chủ tịch của Cargolux ở Hong Kong đã chỉ định hãng chuyển về làm dịch vụ với SCS. Họ đánh giá chúng tôi tích cực. Đó là khách hàng đầu tiên trong nhóm chuyên vận chuyển hàng hóa.”

Có sáu cổ đông sáng lập gồm cụm Cảng hàng không miền Nam (nay là tổng công ty Hàng không Việt Nam), công ty Sửa chữa máy bay A41 (nay là công ty TNHH MTV Sửa chữa máy bay 41), công ty cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển (nay là công ty cổ phần Gemadept), công ty TNHH Đầu tư Nam Phú Quốc Tế, công ty cổ phần Đầu tư Á Châu và công ty cổ phần Sóng Việt, SCS là một trong hai đơn vị được toàn quyền khai thác mảng dịch vụ hàng hóa tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

SCS vận hành ga hàng hóa rộng 143 ngàn m2 với khu vực sân đậu có sức chứa ba máy bay B747F hoặc năm máy bay A321 cùng lúc; nhà ga hàng hóa công suất 350 ngàn tấn cùng khu vực nhà kho, bãi đậu xe, tòa nhà văn phòng, được xây dựng từ khu đất là phần vốn góp của công ty Sửa chữa máy bay A41. Cung cấp dịch vụ trong một thị trường chỉ có hai đơn vị tham gia, SCS có sẵn lợi thế để kinh doanh, nhưng để có được khách hàng, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều đặn thì cần nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện cổ đông Gemadept tham gia lập dự án từ những ngày đầu, kể SCS đi sau nên không có lợi thế chính trị như “ông hàng xóm”. Yếu tố thu hút khách hàng được xác định ở hệ thống dịch vụ. Vì vậy, các cổ đông lớn của SCS ngay từ đầu đã quyết định đầu tư lớn, bài bản, chỉ chọn các sản phẩm, dịch vụ từ các nhà cung cấp giỏi nhất trong ngành thông qua chỉ định thầu để xây dựng và phát triển nhà ga hàng hóa hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi chọn tư vấn của Đức, thiết kế của Nhật, cũng chính là đơn vị thiết kế sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống vận hành công nghệ thông tin từ một công ty của Anh, các thiết bị cơ khí từ Đức, Nhật. Nhà ga SCS không sử dụng các thiết bị gây ô nhiễm môi trường,” ông Khánh liệt kê các hạng mục của dự án bắt đầu triển khai từ tháng 6.2009 và hoàn thành vào tháng 8.2010.

Tổng đầu tư thời điểm đó hơn 40 triệu đô la Mỹ, chưa bao gồm tiền đền bù để A41 di dời, tiền lãi ngân hàng cho khoản vay. Khoản đầu tư này là lớn đặt trong bối cảnh SCS sẽ phải tạm dừng ngay lập tức các hoạt động, bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất cho bộ Quốc phòng trong trường hợp có yêu cầu khẩn cấp về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các khách hàng lần lượt tìm đến vì “hệ thống của chúng tôi tương thích hơn,” theo ông Khánh. Tuy nhiên, để có được khách hàng đầu tiên đến khách hàng thứ hai, thứ ba rồi thứ 10 là hành trình vất vả vì với SCS, có khách hàng khó hơn giữ khách.

Công ty chứng khoán Vietcombank đánh giá trong các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, chỉ có SCS được cục Hàng không Việt Nam công nhận là nhà ga hàng hóa (Air Cargo Terminal). SCS cũng là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kho thu gom hàng lẻ hàng không xuất khẩu và kho ngoại quan chuyên dùng cho hàng tươi sống tại Việt Nam. Đây cũng là nhà ga hàng hóa đầu tiên tại châu Á sử dụng hệ thống quản lý hàng bằng mã vạch.

Trong khi đó, theo báo cáo thường niên của SCS, cho đến hiện tại SCS vẫn là nhà ga duy nhất của Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn của hiệp hội Vận chuyển Hàng không quốc tế (IATA). Nhà ga này cũng đã vượt qua các chương trình đánh giá để đạt chứng nhận chất lượng ISAGO TAPA của hiệp hội Bảo vệ Tài sản vận chuyển và chứng nhận RA3.

Đặc biệt, từ năm 2019, kho lạnh SCS vượt qua chương trình đánh giá CEIV Pharma của IATA để trở thành nhà ga hàng hóa hàng không đầu tiên đạt được chứng chỉ này tại Việt Nam. Nhờ năng lực xử lý hàng hóa dược phẩm, nhà ga SCS đã đón hàng loạt chuyến bay vận chuyển vaccine do các nước tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021, góp phần vào chiến dịch phủ vaccine của Việt Nam.

Ở giai đoạn hiện tại, sau 12 năm khai thác, nhà ga SCS đang hoạt động với 133% công suất, phải giới hạn phục vụ hàng hóa nội địa, ưu tiên hàng xuất nhập khẩu đang tăng mạnh, theo báo cáo của công ty Chứng khoán VNDIRECT. Việc mở rộng công suất lên 350 ngàn tấn đang được thực hiện trong năm nay, theo ông Khánh, sẽ được làm rất nhanh và dễ dàng nhờ đầu tư bài bản từ năm 2009–2010, ví dụ lắp thêm thiết bị cho nhà kho, nâng các kệ hàng, mở rộng khu vực hải quan không ảnh hưởng đến việc khai thác hằng ngày.


Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang ở mức cao khi thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục bùng nổ và tình trạng thiếu vỏ container, thiếu tàu, tắc nghẽn cảng của ngành vận tải biển chưa được giải quyết. SCS tiếp tục hưởng lợi và việc cần làm là vận hành hệ thống hiệu quả hơn, theo ông Khánh. Điều này phần nào đã được “năm COVID” 2021 tập dượt thực hành và thúc đẩy.

Theo đó, SCS cho khách hàng dùng điện thoại vào lấy hàng mà không cần in chứng từ, giảm tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng khi tiền mặt không còn được sử dụng. “Quy trình hiện rút ngắn được nhiều điểm dừng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng và mình cũng giảm được nhân sự,” ông Khánh cho biết. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả cao thì chi phí số hóa cũng cao và đi cùng rủi ro. Kinh nghiệm rút ra là “không thể tự động 100%.”

Năm 2021, SCS lấy lại đà tăng trưởng sau năm 2020 sụt giảm doanh thu, sản lượng hàng hóa giảm khi các nước đối mặt với đại dịch. Báo cáo tài chính đã kiểm toán của SCS ghi nhận tổng sản lượng hàng hóa phục vụ năm 2021 đạt gần 228 ngàn tấn, tăng 8,5% so với năm 2020, trong đó hàng vận chuyển quốc tế tăng 13%. Các nước mở cửa kinh tế, nhu cầu hàng hóa tăng cao trong khi chuỗi cung ứng đường biển khó khăn, tình trạng thiếu chỗ, thiếu vỏ container và giá cước lên cao đã buộc các nhà xuất nhập khẩu lựa chọn đi hàng “air”.

Tổng doanh thu của SCS đạt hơn 873 tỉ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế lập đỉnh, mức 563 tỉ đồng, EPS đạt 10.425 đồng/cổ phiếu. Ông Khánh cho biết trong giai đoạn cao điểm, SCS đã thông báo và được các hãng hàng không chấp nhận áp dụng phụ phí cho những chuyến hàng ngoài hợp đồng đã ký. Ông thậm chí cũng chỉ “chiêu” buộc các hãng hàng không phải chia sẻ quyền lợi này cho TCS, đối thủ của mình để hai bên cùng tăng doanh thu.

Nhưng năm 2021 cũng là thời điểm vận hành khó khăn, vì 35% nhân viên nhiễm COVID. Đó cũng là thời điểm dễ phát sinh nhũng nhiễu, nhất là khi khách hàng luôn muốn nhận sớm lô hàng. “Nếu nhân viên chủ động vòi tiền khách hàng chắc chắn bị đuổi ngay, nếu vấn đề từ bên trong thì phải ngồi phân tích lại quy trình để tìm ra vấn đề. Làm như vậy để giữ được quân và bảo vệ hệ thống,” ông Khánh nói. Trên trang web công ty, SCS công khai số điện thoại, email của từng thành viên trong ban điều hành.

Ở giai đoạn cao điểm dịch, mỗi nhân viên nhiễm COVID-19 được nhận 10 triệu đồng hỗ trợ, được trang bị máy đo nồng độ oxy trong máu SPO2. Công ty cũng lập trạm y tế để chăm lo sức khỏe tại chỗ cho nhân viên. Việc hoạt động “ba tại chỗ” không phát sinh nhiều vấn đề vì ngay từ đầu SCS đã mua suất ăn trưa cho công nhân. Ông Khánh nhấn mạnh, những chính sách nhân sự đã giúp SCS chống chọi và duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2021. Họ cũng mua được một máy ECMO để gửi tặng bệnh viện Thống Nhất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM.

Năm 2022, SCS đặt kế hoạch sản lượng 240 ngàn tấn cùng doanh thu 900 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 640 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, công ty Chứng khoán Bản Việt đánh giá, SCS có thể tăng doanh thu thêm 17%, đạt 983 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 702 tỉ đồng năm 2022. Ông Khánh thừa nhận khi giai đoạn hai hoàn thành, công suất nâng lên 350 ngàn tấn, SCS còn tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, cách của SCS là thường đặt ra kế hoạch “thận trọng”.

Tương lai xa hơn của SCS chính là sân bay quốc tế Long Thành. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nắm giữ gần 13% cổ phần SCS cũng là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế này, giúp cơ hội tham gia của SCS tại đây rất lớn. SCS dự kiến đầu tư 2.000 tỉ đồng cho nhà ga hàng hóa công suất 550 ngàn tấn. Năm 2021, SCS chia cổ tức bằng tiền mặt 30%, bằng khoảng 1/2 so với những năm trước để dành tiền đầu tư. Theo ông Khánh, kinh nghiệm khai thác đã có, giờ cần nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước để hệ thống vận hành với chi phí thấp nhất, thực hiện tham vọng dẫn đầu của SCS.

Hiện SCS nắm giữ 37% thị phần tại Tân Sơn Nhất nhưng ông Khánh cho rằng nỗi lo là từ nay đến khi sân bay Long Thành vận hành, miếng bánh thị trường vận chuyển hàng không sẽ to lên, SCS vẫn phải xử lý được. “Nếu có trục trặc, nhà đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ. Lúc đó không còn là câu chuyện của các doanh nghiệp mà là vấn đề quốc gia. Vì vậy việc lúc này là phải khai thác hệ thống hiệu quả hơn,” ông nói.

Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 106, tháng 6.2022, Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2022