Brilliant Labs hướng tới việc phát triển kính thông minh nâng cao trải nghiệm cuộc sống của người dùng bằng AI.
Bên trong một nhà máy sản xuất nằm ở một khu công nghiệp cách căn cứ không quân của Singapore về phía Tây, các kỹ thuật viên ở đây đang mặc những bộ đồ bảo hộ rộng phùng phình màu trắng, trang phục được làm từ nhựa chuyên dụng để phòng ngừa nhiễm khuẩn, tỉ mỉ chế tạo các tấm kính có tính phức tạp cao. Cơ sở này do Moveon Technologies, công ty chuyên sản xuất linh kiện quang học cho nhóm khách hàng như Samsung, Philips và Dyson, vận hành.
Cơ sở này còn là nơi hoạt động của Brilliant Labs, công ty khởi nghiệp đang hợp tác với Moveon Technologies để phát triển ra sản phẩm có tiềm năng cách mạng hóa thiết bị máy tính cá nhân (PC).
Brilliant Labs do Bobak Tavangar thành lập vào năm 2019 khi nhận thấy tiềm năng từ việc phát triển kính thực tế tăng cường (AR) tích hợp công nghệ AI trong một thiết kế nhỏ gọn, mang lại cho người dùng “siêu thị giác” theo cách gọi của anh. Vị CEO 35 tuổi này có kế hoạch phát triển sản phẩm dựa trên mã nguồn mở, cho phép các nhà phát triển tiếp cận và tạo ra ứng dụng mới cho thiết bị.
“Đây là bước tiến lớn tiếp theo, không chỉ về thiết kế của thiết bị mà còn nằm ở việc ứng dụng AI. Thiết bị có thể đóng vai trò như một ‘phi công phụ’ hoặc trợ lý cung cấp thông tin cho người dùng về những gì đang diễn ra xung quanh họ,” Tavangar cho biết.
Brilliant Labs đang chuẩn bị trình làng phiên bản đầu tiên cho mẫu kính thông minh trong quý 1.2024, với Tavangar cho biết phiên bản này sẽ có khả năng tiếp nhận và phân hồi câu lệnh từ ngôn ngữ tự nhiên. Trong tương lai, công ty sẽ bổ sung các tính năng mới cho thiết bị như thông báo qua hình ảnh và âm thanh dựa trên những gì kính ghi nhận từ môi trường xung quanh cũng như điều chỉnh độ phân giải, phóng to thu nhỏ và màu sắc của thế giới thực hiển thị qua mặt kính.
Một điều chắc chắn là Tavangar có mục tiêu và kỳ vọng rất lớn dành cho các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, anh đang kinh doanh trong lĩnh vực vẫn chưa thực sự phổ biến. Sau hơn một thập niên chứng kiến các công ty có nhiều nguồn lực hơn Brilliant Labs đầu tư vào AR, quy mô của công nghệ này vẫn chỉ dừng lại ở thị trường ngách, với những sản phẩm như Google Glass (Google) và HoloLens (Microsoft) thất bại trong việc thu hút người tiêu dùng. Vì lẽ đó, Google đã dừng ra mắt phiên bản tiếp theo cho Google Glass, trong khi Microsoft chuyển hướng tập trung sang các khách hàng doanh nghiệp.
Do vậy, Brilliant Labs tập trung vào thành công lâu dài hơn lợi nhuận ngắn hạn. Tavangar cho biết Brilliant Labs xây dựng mô hình kinh doanh cụ thể ngay từ đầu, khác với các đối thủ trên thị trường đầu tư nhiều tiền nhưng không có lộ trình đạt lợi nhuận rõ ràng.
Tavangar đưa ra nguồn vốn để phát triển loại kính trên sẽ lấy từ doanh thu của sản phẩm đầu tiên Monocle, tấm kính AR đặc biệt kẹp vào mắt kính thông thường. Tích hợp ChatGPT và Stable Diffusion ở bên trong, Monocle giúp người dùng đặt câu hỏi, chuyển ngữ và tạo hình ảnh bằng giọng nói. Tavangar và đội ngũ nhân sự vẫn đang sửa lỗi cho sản phẩm, và Monocle cho thấy tầm nhìn mà công ty đang hướng tới trong tương lai.
Monocle phát triển trên mã nguồn mở, cho phép gần 3.000 nhà phát triển tham gia lập trình cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, từ ghi nhớ tên, học cách chơi dụng cụ âm nhạc đến hỗ trợ người khiếm thính xác định âm thanh. Thiết bị này còn được một nhóm sinh viên tại đại học Stanford lập trình để đưa ra gợi ý cho người dùng nên nói những gì khi đang hẹn hò hoặc phỏng vấn xin việc.
Monocle có mức giá 299 USD và đã bán được hơn 3.000 thiết bị kể từ tháng 3.2023, thời điểm sản phẩm chính thức ra mắt thị trường. Tuy vậy, Tavangar chưa công bố cụ thể doanh thu hoặc lợi nhuận.
Với Tavangar, Monocle là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn cho Brilliant Lans, công ty đã thu hút vốn từ những nhà đầu tư quan trọng như Adam Ceyer – nhà đồng sáng lập Siri. Theo Ceyer, việc Tavangar tích hợp các tính năng hiển thị cao cấp vào kính AR là lý do để ông quyết định đầu tư vào công ty này.
“Brillant Labs đang làm điều mà tôi chưa từng thấy ở công ty khác. Đây là hướng đi mới lạ của Brilliant Labs. Thay vì chỉ tạo ra các loại kính chuyên dụng để hiển thị đồ họa máy tính, công ty sẽ giúp khả năng quan sát của con người trở nên tốt hơn từ việc điều chỉnh và nâng cao chất lượng hiển thị những gì họ thấy. Tôi nghĩ rằng điều này rất tuyệt,” Cheyer cho biết.
Brilliant Labs từ chối tiết lộ giá trị vốn hóa thị trường hiện tại, song cho biết đã huy động thành công 6 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm Brendan Iribe – đồng sáng lập nhà phát triển kính thực tế ảo (VR) Oculus VR, nhà sáng lập hãng đồng hồ thông minh Pebble Eric Migicovsky và Steve Sarowitz, tỉ phú sáng lập công ty phát triển phần mềm quản lý nhân sự và tính lương Paylocity. Công ty còn có các nhà đầu tư khác là Plug and Play Ventures, nhà đầu tư sớm của Paypal và quỹ đầu tư mạo hiểm Coho Deeptech.
Quá trình đầu tư vào công nghệ AR của Tavangar bắt đầu từ năm 2012, sau khi anh tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý tại đại học Cambridge. Tavangar từng tham gia hai công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm thị giác máy tính với AI cho các nền tảng phần cứng hiện nay. Tuy vậy, cả hai công ty này đều không thể tạo ra đủ doanh thu để duy trì hoạt động. Từ những kinh nghiệm đã qua, anh nhận ra để phát triển thành công kính AR cho người tiêu dùng cần phải kết hợp phần cứng và phần mềm.
Thời gian sau, Tavangar gia nhập Apple trong vai trò người đứng đầu bộ phận phần mềm tại Thượng Hải, tập trung vào triển khai phần mềm cho chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ Mỹ. Khi làm việc tại Apple, anh vẫn giữ nguyên hoài bão về phát triển thiết bị AR.
Năm 2019, Tavangar thành lập Brilliant Labs, một năm sau chuyển công ty sang Singapore. Kể từ những ngày đầu tiên, anh vận hành công ty với hai người cộng sự duy nhất là Raj Nakarja, kỹ sư trưởng làm việc tại Stockholm (Thụy Điển) và trưởng bộ phận thiết kế Ben Heald làm việc từ Thượng Hải.
Lúc này, Brilliant Labs sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ muốn có được thành công ở lĩnh vực mà Google và Microsoft không thể làm được. Nằm trong số đó là Apple sẽ mở bán chính thức Vision Pro, sản phẩm kết hợp giữa VR và AR, vào ngày 2.2 với giá bán tương đối cao 3.499 USD.
Trong khi đó, Meta đã bắt đầu giao các mẫu kính thực tế ảo hỗn hợp (MR) Meta Quest 3 của công ty này từ tháng 10.2023, với phiên bản cơ bản có giá bán 499 USD.
Tháng 10.2023, Meta bắt đầu bán các mẫu kính thông minh hợp tác phát triển với thương hiệu kính râm cao cấp Ray-Ban. So với Meta Quest 3, sản phẩm này có giá bán thấp hơn ở mức 299 USD nhưng cũng giới hạn tính năng hơn. Tương tự như các sản phẩm từ Amazon và Snap, kính thông minh của Meta không sử dụng tấm kính AR và chỉ có những tính năng như chụp ảnh, quay phim, thực hiện cuộc gọi và nghe nhạc.
Theo Tavangar, các kính AR trên thị trường hiện nay phần lớn có thiết kế tương đối nặng với người dùng sử dụng tại chỗ và giá thành vẫn còn khá cao. Ngược lại, kính thông minh của Brilliant Labs được thiết kế nhằm hướng tới sự năng động, nâng cao trải nghiệm cuộc sống của người dùng bằng AI.
Tuy vậy, Tavangar vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn khác là bảo mật dữ liệu. Anh chia sẻ sản phẩm của Brilliant Labs có tính năng ghi lại tất cả những gì mà người thấy và làm, do đó công ty áp dụng các biện pháp an toàn để bảo vệ dữ liệu người dùng. Tavangar cho biết Brilliant Labs có chính sách không lưu trữ dữ liệu người dùng vào trung tâm dữ liệu của công ty, và ngăn chia sẻ dữ liệu với bất kỳ bên thứ ba nào.
Tavangar dự báo AR sẽ sớm được áp dụng rộng rãi từ năm 2025, nhận định các nhà phát triển đến khi đó đã nắm rõ cách tối ưu hóa tiềm năng của công nghệ này và xây dựng nhiều ứng dụng khác nhau cho người dùng.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/brilliant-labs-phat-trien-kinh-thong-minh-tich-hop-ai)
6 tháng trước
Vốn hóa thị trường của Apple vượt ngưỡng 3.000 tỉ USD