Đại dịch Covid-19 khiến việc làm ăn của nhiều doanh nghiệp trong năm 2020 điêu đứng, nhưng các kênh bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu giữ vững và gia tăng vị thế.
Rời văn phòng lúc 6 giờ tối, Vũ Quỳnh Như – nhân viên một công ty truyền thông tại TP.HCM, tạt ngang cửa hàng Bách Hóa Xanh mua thực phẩm về cho bữa tối và chuẩn bị phần cơm trưa mang vào văn phòng cho ngày mai. Mỗi tuần, cô ghé Bách Hóa Xanh chừng ba lần vì “tiện đường, cửa hàng rộng thoáng, giá cả ngang chợ nhưng sạch sẽ, rau củ tươi và có sẵn thực phẩm đã sơ chế”.
Nguyễn Thị Yến Xuân hay ghé Bách Hóa Xanh vào ngày trong tuần nếu muốn mua sắm sản phẩm thuộc nhóm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh). Cô gái trẻ làm việc tại trung tâm TP.HCM cho biết, mỗi tháng cô đi siêu thị vài lần, còn thực phẩm dùng hằng ngày mua tại cửa hàng Bách Hóa Xanh gần nhà ở quận 8. Trong vòng 500m–1km quanh khu vực Như và Xuân sinh sống có ba cửa hàng Bách Hóa Xanh, khiến hai cô gái trở thành những “khách hàng trung thành” của Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ số 1 Việt Nam.
Bách Hóa Xanh đang tiếp tục chứng minh vị thế nổi bật ở kênh bán lẻ hiện đại, xét về cả tốc độ mở chuỗi lẫn doanh thu. Báo cáo thị trường bán lẻ Việt Nam 2020 của Euromonitor dùng từ “đáng chú ý” khi miêu tả về mức tăng trưởng của chuỗi bán lẻ thực phẩm – hàng tiêu dùng này.
Năm 2020, chuỗi mở thêm 700 cửa hàng, trung bình mỗi tháng có thêm 58 cửa hàng mới. Có những khoảng thời gian cao điểm như tháng 6.2020, họ mở mới 121 cửa hàng, trung bình mỗi ngày có bốn cửa hàng được khai trương. Tính đến hết tháng tư năm nay, chuỗi có 1.803 cửa hàng trên 25 tỉnh, thành phố.
Khó khăn chung do COVID–19 gây ra dường như không cản được xu hướng tăng trưởng của loại hình bán lẻ hiện đại. Dữ liệu ngành và của các đơn vị trong ngành thể hiện rõ điều này. Xuất hiện sớm nhất ở mô hình siêu thị mini, hệ thống Vinmart+ đang dẫn đầu thị trường về số cửa hàng. Sau khi chuyển quyền điều hành về tập đoàn Masan, chuỗi này đóng bớt hơn 700 điểm bán, còn 2.231, tính tới cuối năm 2020.
Xét theo độ phủ, Bách Hóa Xanh chưa thể so sánh với Vinmart+ khi mới chỉ hiện diện ở 25 tỉnh, thành phố và chưa mở rộng ra miền Bắc. Gia tăng độ phủ còn diễn ra ở hầu hết các chuỗi cửa hàng tiện lợi. Theo báo cáo thị trường bán lẻ Việt Nam của Euromonitor, số cửa hàng mở mới của các chuỗi trong năm 2020 chậm lại so với những năm trước, nhưng tăng trưởng doanh thu vẫn ở mức hai chữ số.
Trong năm 2020, Circle K mở mới 25 cửa hàng, 7 Eleven thêm 13 cửa hàng, Ministop mở thêm 10… và kỷ lục mở mới đến từ GS25, một tên tuổi mới gia nhập thị trường năm 2019 với phong cách riêng lấy sản phẩm Hàn Quốc làm chủ đạo. Trước khi COVID–19 bùng nổ, GS25 có 60 cửa hàng nhưng chỉ tám tháng cuối năm 2020 họ mở thêm hơn 50 cửa hàng, trung bình mỗi tháng khai trương thêm sáu cửa hàng.
Báo cáo triển vọng thị trường bán lẻ 2021 của công ty Chứng khóan Vietcombank (VCBS) cho biết, thị trường bách hóa trị giá 70 tỉ đô la Mỹ có nhiều không gian tăng trưởng đối với các kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại), dù kênh truyền thống vẫn đang chiếm 74% thị phần.
Hơn một năm chống chọi với đại dịch COVID–19, ngành bán lẻ nhìn chung gặp khó khăn do sức mua sụt giảm, giãn cách xã hội ở phạm vi thành phố hoặc khu vực khiến cho hoạt động kinh doanh, bán lẻ bị ảnh hưởng nặng hay chi phí vận chuyển, lưu kho ảnh hưởng tới biên lợi nhuận. “Nhóm ngành hàng không thiết yếu gặp khó khăn khi chi tiêu được ưu tiên hơn cho nhóm sản phẩm thiết yếu cho gia đình,” báo cáo của VCBS viết.
Trả lời cho câu hỏi vì sao Bách Hóa Xanh có thể mở rộng chuỗi trong lúc thị trường khó khăn, ông Trần Kinh Doanh – CEO của chuỗi Bách Hóa Xanh nói: “Tập trung cung ứng các sản phẩm thuộc ngành hàng tươi sống cho người nội trợ; không tăng giá để giữ sự ổn định.”
Xét theo doanh thu trung bình tháng trong năm 2020, mỗi cửa hàng tiêu chuẩn Bách Hóa Xanh ghi nhận từ 1–1,2 tỉ đồng, gấp đôi so với mức khoảng 500 triệu đồng của Vinmart+, đơn vị đứng thứ hai thị trường, theo báo cáo ngành bán lẻ từ công ty Chứng khoán Mirae Asset công bố hồi tháng 1. Có thời điểm doanh thu tháng tại Bách Hóa Xanh tăng đột biến, vượt 1,6 tỉ đồng trong tháng 3.2020 khi đợt dịch đầu tiên bùng phát.
Năm 2020, toàn chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu xấp xỉ một tỉ đô la Mỹ (21.260 tỉ đồng), gấp đôi năm trước, đóng góp khoảng 1/5 vào tổng doanh thu 4,7 tỉ đô la Mỹ (108.546 tỉ đồng) toàn tập đoàn. Thế Giới Di Động vững chân trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2021 của Forbes Việt Nam. Vốn hóa của công ty bán lẻ số một Việt Nam năm qua đã tăng đến 78%, đạt 69.413 tỉ đồng (theo thị giá ngày 25.5.2021) so với cùng thời điểm 2020 và là một trong 45 công ty vốn hóa tỉ đô của Việt Nam.
“Thị phần của chúng tôi trước dịch bệnh chỉ khoảng 5–10%, vì vậy tốc độ tăng trưởng doanh thu không có mối liên hệ với COVID–19”, ông Trần Kinh Doanh trả lời Forbes Việt Nam. Kết thúc năm 2020, thị phần hàng tiêu dùng nhanh của Bách Hóa Xanh đã vượt 10% tại khu vực thành thị và trên 20% ở riêng TP.HCM, theo tự bạch.
Không công bố doanh thu, nhưng tập đoàn Masan cho biết doanh thu trên một m2 ở mỗi cửa hàng Vinmart+ tăng trưởng 10,7% sau khi Masan hoàn tất thương vụ mua lại VinCommerce (VCM). Doanh thu thuần của VCM đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỉ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỉ đồng vào năm 2020, theo báo cáo từ công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Lợi thế của chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại, theo báo cáo thị trường bán lẻ năm 2020 của Euromonitor là diện tích nhỏ gọn, phù hợp với lối sống bận rộn của người tiêu dùng thành thị, thích mua ở gần nhà. Đối với Bách Hóa Xanh, động lực tăng trưởng của họ nằm ở tốc độ mở chuỗi và duy trì doanh thu ổn định ở các cửa hàng.
Một cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu chuẩn có diện tích khoảng 200–250m2, phục vụ trung bình 600–700 lượt khách, cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống và FMCG. Bà Trần Khánh Hiền, giám đốc bộ phận Nghiên cứu của VNDIRECT nhận xét, sự linh hoạt trong việc thử và thay đổi là đặc trưng trong mô hình kinh doanh của MWG.
Tháng 7.2020, trước khi đợt dịch COVID–19 thứ hai bùng phát ở Đà Nẵng, Bách Hóa Xanh giới thiệu mô hình cửa hàng mới với diện tích 500m2 và cung cấp khoảng 6.000–8.000 mặt hàng. Số lượng mặt hàng khô (SKU) được tăng lên ngang ngửa với các siêu thị lớn và lượng hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng lên khoảng 3.000.
Các cửa hàng mới áp dụng nguyên tắc “dễ nhìn, dễ thấy, dễ lấy”, các mặt hàng rau, củ, quả và gạo được trưng bày ở các dãy kệ đặt ngay bên ngoài, tương tự như chợ truyền thống. “Chúng tôi mong muốn cửa hàng mới có thể làm hài lòng tất cả những khách hàng có thói quen đi chợ truyền thống lẫn đi siêu thị hiện đại,” ông Trần Kinh Doanh chia sẻ trong lần đưa đoàn phóng viên tham quan mô hình cửa hàng mới của Bách Hóa Xanh.
Trong khoảng hai tháng đầu khi thử nghiệm, những cửa hàng này đón khoảng 1.000–1.200 lượt khách mỗi ngày, cao điểm cuối tuần có thể lên tới 1.400–1.500 lượt khách, doanh thu trung bình 120–150 triệu mỗi ngày, đưa doanh thu tháng có thể lên tới bốn tỉ đồng – gấp ba lần doanh thu trung bình/cửa hàng trong chuỗi ở thời điểm sáu tháng đầu năm 2020.
Kết thúc năm 2020, số cửa hàng theo mô hình mới chiếm khoảng 10% tổng số cửa hàng, và đóng góp 20% doanh thu cho toàn chuỗi. Ông Doanh ước tính, Bách Hóa Xanh cần có 500–600 cửa hàng lớn, diện tích 500m2, và khoảng 1.000 cửa hàng tiêu chuẩn có mặt ở các tuyến đường, hẻm nhỏ mới khai thác hết được thị trường ở TP.HCM.
Trần Huỳnh Minh Nhân, một người trẻ làm việc tại tòa nhà Empress Tower và sống ở La Astoria, TP. Thủ Đức – nơi có hai cửa hàng GS25 ở tầng trệt, cho biết anh ghé qua cửa hàng này mỗi ngày. “Tiện lợi, màu sắc tươi sáng, có phong cách riêng, sản phẩm đa phần nhập về từ Hàn Quốc là một số lý do khiến Nhân chọn GS25.
Xuất thân từ công nghệ, ông Mai Thụy Nhân, CEO GS25, cho biết muốn “mang đến một mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi kiểu mới: Lifestyle platform, trong đó con người và công nghệ là hai yếu tố nền tảng.” GS25 tạo sự khác biệt thông qua đầu tư vào công nghệ và trải nghiệm của khách hàng.
Nhắm tới gen Z – những người trẻ, GS25 chọn cửa hàng ở văn phòng tại trung tâm thành phố, hoặc dưới chân các khu chung cư cao cấp. Cửa hàng sử dụng màu sắc mang tông lạnh, khu vực ngồi bố trí đơn giản, sang trọng hơn, tích hợp gần như đầy đủ các phương tiện thanh toán không tiền mặt như Momo, ZaloPay, Smartpay.
Hệ thống kỹ thuật và dữ liệu khách hàng đã được đầu tư từ những ngày đầu tiên, vị CEO từng là trưởng bộ phận kỹ thuật của GS25 cho biết. Họ chấp nhận thử nhiều loại hình công nghệ, “chưa có ai dám thử” theo lời ông Nhân miêu tả, như thanh toán bằng khuôn mặt – FacePay, hợp tác với Wee Digital – công ty cung cấp các giải pháp công nghệ nhận diện gương mặt vào cuối năm 2020.
Từ dữ liệu khách hàng, GS25 có giải pháp mới như thường xuyên cập nhật các món ăn chế biến sẵn và có thể nấu ngay vào cửa hàng, khi nhận thấy nhu cầu của nhóm khách hàng chính liên tục thay đổi, họ chuộng sự tiện lợi nhưng vẫn muốn có bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe. Ông Nhân cũng rất tự tin số lượng cửa hàng GS25 sẽ tăng lên và tiến vào tốp 2 trên thị trường cửa hàng tiện lợi (CVS) vào cuối năm nay.
Kênh cửa hàng tiện lợi được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về doanh số lẫn giá trị hàng bán ra trong năm 2021, nhờ được hỗ trợ bởi nhóm người tiêu dùng trẻ – khách hàng cốt lõi của mô hình này. “Nhóm người tiêu dùng trẻ không chỉ xem cửa hàng tiện lợi là nơi mua sắm, họ coi đó như một không gian xã hội (social hubs), có thể ngồi lại ăn uống và trò chuyện mà không cần tốn một khoản chi phí lớn”, nhóm nghiên cứu từ Euromonitor phân tích.
Hai yếu tố dự báo sẽ ảnh hưởng tới các chuỗi cửa hàng tiện lợi được đề cập trong báo cáo là nhu cầu mua các phần ăn chế biến sẵn và thanh tóan qua di động để giảm bớt sự tiếp xúc sẽ tăng lên trong năm 2021.
Thách thức đối với GS25 nói riêng và các mô hình CVS nói chung, theo ông Nhân, là đối mặt với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng trực tuyến (online delivery), và mô hình siêu thị mini (minimart). Dù vậy, người đứng đầu GS25 cho biết chọn cách “cùng phát triển thay vì đối đầu” với các đối tác và những nền tảng trực tuyến khác để tạo ra nhiều giá trị nhất cho khách hàng.
Theo báo cáo triển vọng thị trường bán lẻ 2021 của VCBS, tỉ lệ tăng trưởng kép (CARG) về doanh thu trong giai đoạn 2014–2019 của mô hình bách hóa hiện đại là 8,5%, cao hơn mức 4,7% của bách hóa truyền thống.
Vinmart+ cho biết chiến lược trong năm 2021 sẽ là tối ưu hóa các mặt hàng, và không tăng thêm diện tích cửa hàng. “Hướng đi này của VinCommerce khác với chuỗi Bách hóa Xanh, vốn tích cực nâng cấp các cửa hàng hoạt động tốt lên quy mô lớn để mở rộng sự lựa chọn sản phẩm cho khách hàng,” báo cáo VCSC chỉ ra.
Trong khi đó, Bách hóa Xanh sẽ tăng thêm số lượng điểm bán và nâng cấp cửa hàng, theo chia sẻ của ông Trần Kinh Doanh tại đại hội cổ đông hồi giữa tháng 5. Điều này có thể giúp cải thiện lợi nhuận gộp cũng như khả năng đàm phán với nhà cung cấp do lợi thế quy mô doanh thu ngày càng lớn.
Với đà tăng trưởng doanh thu mỗi năm là 100% trong vòng hai năm qua, CEO chuỗi Bách Hóa Xanh tự tin đưa ra mục tiêu doanh thu 30.000 tỉ đồng, và chuỗi bán lẻ thực phẩm – FMCG của Thế Giới Di Động bước vào tốp 3 nhà bán lẻ thực phẩm – hàng tiêu dùng tại Việt Nam cùng với Saigon Co.op và Masan.
Bản in theo Forbes Việt Nam số 95 phát hành tháng 6.2021.
Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/ban-le-gia-tang-vi-the)