Doanh nghiệp

APFCO: Kiến tha lâu đầy tổ

3 giờ trước
Tác giả Trọng Nam

Kiên trì tích lũy qua nhiều năm, APFCO, công ty Việt Nam lọt vào tốp ba doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn lớn nhất khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng bước vào những sân chơi lớn hơn.

APFCO

Share
this:

Năm 2015, ngành sắn Việt Nam ghi dấu một sự kiện đáng nhớ khi cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lên tiếng “minh oan” cho cây sắn, khẳng định đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Trước đó, sắn từng bị coi là cây trồng cần kiểm soát do lo ngại gây bạc màu đất.

Từ một loại cây gây tranh cãi, sắn đã vươn lên trở thành cây trồng tỷ đô, với giá trị xuất khẩu tinh bột sắn đạt 2,2 triệu tấn, tương đương hơn 1 tỷ USD, theo số liệu từ Công ty Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO). Trong đó, APFCO hiện đang là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn tại Việt Nam về sản lượng và nằm trong tốp ba của khu vực Đông Nam Á.

Trò chuyện với Forbes Việt Nam, tổng giám đốc APFCO ông Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Công ty chúng tôi gắn liền với nghề nông, qua nhiều đời lãnh đạo vẫn kiên trì vào ngành nghề chuyên sâu, không làm dàn trải hay mạo hiểm chạy theo lợi nhuận.”

Tổng giám đốc APFCO Trần Ngọc Hải

APFCO hiện có 17 đơn vị sản xuất với 14 nhà máy trong nước và 3 nhà máy tại Lào. Tổng sản lượng khoảng 600 ngàn tấn/năm, trong đó khoảng 12% là tinh bột biến tính giá trị cao. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu, với 70% sản lượng xuất sang Trung Quốc, 15% xuất sang các thị trường Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Phần còn lại phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Mặc dù là doanh nghiệp lớn nhất ngành và là công ty đại chúng nhưng đối tác nước ngoài biết đến APFCO nhiều hơn là công chúng trong nước. Ông Hải cho biết tình hình chỉ cải thiện sau khi có các nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào hội đồng quản trị.

Tiền thân APFCO là Công ty Mía đường Thuốc lá Quảng Ngãi, thành lập năm 1976, chuyên phân phối các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Đến năm 1989, công ty đổi tên thành Công ty Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi. Trong thời kỳ bao cấp kinh tế, công ty chỉ phát triển theo bề ngang, thông qua sáp nhập một số doanh nghiệp quốc doanh khác theo phân công. Từ năm 1993, công ty từng bước nghiên cứu và triển khai hoạt động sản xuất tinh bột sắn. Mục tiêu ban đầu là “giải cứu” vùng nguyên liệu sắn của địa phương.

Năm 1998, công ty thành lập nhà máy sản xuất tinh bột sắn đầu tiên với công suất 50 tấn sản phẩm/ngày, tương đương 10 ngàn tấn/năm. Đến năm 2004, công ty xây dựng thêm nhà máy thứ hai, nâng công suất lên 30 ngàn tấn tinh bột/năm. Cùng với sự phát triển của mảng sản xuất và mở rộng ra các địa phương có vùng nguyên liệu cây sắn (củ mì), công ty dần thu hẹp hoạt động thương mại.

Trong giai đoạn năm 2005–2016, APFCO liên tục xây dựng mới và mua lại nhiều nhà máy, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Trong đó có 10 cơ sở tại Tây Nguyên và hai nhà máy ở Tây Ninh và Bình Phước.

Bên cạnh việc mở rộng trong nước, APFCO còn đầu tư ra nước ngoài với một nhà máy nhỏ tại Savannakhet, Lào vào năm 2012. Giai đoạn năm 2023–2024, công ty tiếp tục mở rộng sang Attapeu và Salavan với hai nhà máy mới, nâng tổng sản lượng tại Lào đạt 150 ngàn tấn bột/năm.

APFCO bắt đầu cổ phần hóa từ năm 2003, tuy nhiên ảnh hưởng của hình mẫu một công ty quốc doanh còn khá rõ nét. Cho đến nay, bên trong công ty vẫn duy trì cơ chế Đảng ủy, sinh hoạt Đảng bộ, các cơ cấu về công đoàn, đoàn thể… tương tự như các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Trong nhiều năm, công ty không ngừng phát triển, tiếp tục mở rộng thị trường, tích lũy tài chính nhưng vẫn chuyên tâm trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và những sản phẩm sau tinh bột. Năm 2010, APFCO xây dựng một nhà máy sản xuất ethanol từ tinh bột sắn tại vùng nguyên liệu Đắk Tô, Kon Tum, nhằm ủng hộ đề án sản xuất xăng sinh học E5 của Chính phủ. Tuy nhiên, tốc độ chiếm lĩnh thị trường của loại nhiên liệu này quá chậm, ban lãnh đạo công ty chuyển hướng sang sản xuất cồn thực phẩm.

Số liệu từ hiệp hội sắn Việt Nam cho thấy, ngành chế biến tinh bột sắn hiện có hơn 120 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, trong đó vùng nguyên liệu lớn nhất nước là Tây Ninh với khoảng 60 nhà máy, Miền Trung – Tây Nguyên 35 nhà máy, còn khu vực phía Bắc khoảng 25 nhà máy. Tuy là khu vực tập trung sản xuất sắn lớn nhưng các nhà máy ở Tây Ninh thường có công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ và sản phẩm làm ra có hàm lượng kỹ thuật thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nghề sắn thường phải gánh điều tiếng gây ô nhiễm môi trường.

APFCO đang dần thay đổi định kiến này nhờ tiềm lực và vị thế khá tốt để đầu tư vào xử lý chất thải. Các nhà máy đều đạt chuẩn vận hành và tiêu chuẩn môi trường của địa phương. Tuy nhiên, dễ thấy chuỗi 14 nhà máy của APFCO có trình độ công nghệ không đồng đều. Một số nhà máy là do mua lại, về tổng thể chưa hoàn thiện và bài bản ngay lập tức. Trong số 17 đơn vị sản xuất, mới chỉ có hai nhà máy đạt các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, FSSC 22000 về an toàn thực phẩm và môi trường, theo tự bạch. Mười nhà máy khác mới đạt chứng nhận ISO và năm nhà máy còn lại đang tiếp tục được đầu tư nâng chuẩn.

Công ty hiện có 1.400 nhân sự, lao động có thu nhập trung bình khoảng 13 triệu đồng/tháng ở Việt Nam và 15-16 triệu đồng/tháng ở Lào. Lý do trước tiên là vì các nhà máy tại Lào được triển khai đồng bộ với phát triển vùng nguyên liệu, có công nghệ chế biến tốt hơn và sử dụng ít lao động phổ thông hơn. Nhờ đó, các nhà máy mới đi vào hoạt động có thể vận hành hết công suất khi cần. Đặc biệt, ở khu vực Nam Lào, cây sắn ít bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ các loại cây trồng khác do điều kiện địa hình đồi núi và thổ nhưỡng phù hợp, nhất là tại Cao nguyên Bolaven.

Ông Võ Văn Danh, lãnh đạo cao nhất của công ty từ năm 1993, được coi là người đặt nền móng cho sự phát triển của APFCO. Đội ngũ điều hành hiện tại chủ yếu thuộc thế hệ 7x, 8x. Trong đó, ông Trần Ngọc Hải là phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, đại diện cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Ông Hải sinh năm 1973, gia nhập APFCO ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Ông trải qua nhiều vị trí thuộc mảng thương mại và quản lý dự án trước khi chính thức trở thành tổng giám đốc APFCO vào năm 2020.

Theo ông Hải, ngành sắn Việt Nam là một ngành sản xuất khá “đơn độc”, các doanh nghiệp “tự lực và hỗ trợ lẫn nhau” là nhiều. “Ngành tinh bột sắn đang gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh của Việt Nam so với Thái Lan khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn yếu và gặp nhiều thách thức,” ông Hải nói.

Cây sắn không thuộc danh mục ưu tiên cho an ninh lương thực do giá trị kinh tế hạn chế, dù có khả năng chịu hạn tốt, chi phí sản xuất thấp và mùa thu hoạch kéo dài. Diện tích trồng sắn thường bị cạnh tranh bởi cây keo, cà phê, cao su, cây ăn trái và mía – những cây nhận được chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Ngoài ra, quan niệm “trồng sắn gây xấu đất” vẫn phổ biến, dù theo phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Khánh Sơn thuộc Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điều này không có cơ sở khoa học. Sắn thường được trồng ở đất xấu vì ít cây khác có thể sinh trưởng tốt, tạo lầm tưởng nêu trên. Thực tế, trồng sắn quy mô lớn vẫn cần chăm bón và luân canh hợp lý để đảm bảo năng suất.

Chính bởi thiếu sự đầu tư phù hợp, năng suất trung bình của cây sắn Việt Nam thường thấp hơn so với các nước láng giềng. Thái Lan có sản lượng sắn khoảng 28-30 triệu tấn/héc ta, Lào có sản lượng trung bình 23 triệu tấn/héc ta, trong khi Việt Nam chỉ cho năng suất trung bình 20 tấn/héc ta.

Hiện tại, APFCO vẫn đang đối mặt với những thách thức như giá tinh bột sắn giảm 30% trong năm 2024 do giá bột ngô thấp, cạnh tranh với bột sắn; kinh tế Trung Quốc suy yếu và bất ổn chính trị toàn cầu, khiến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn chậm lại. Tại Việt Nam, các nhà máy không thể vận hành hết công suất và gặp khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng do sản lượng nguyên liệu đầu vào không ổn định. Ông Trần Ngọc Hải dự báo tình hình sẽ còn ảm đạm đến giữa năm 2025, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ.

Dù giá cả biến động, công ty vẫn tập trung vào chất lượng sản phẩm để đảm bảo đầu ra ổn định. “Ngành chế biến nông nghiệp vốn dĩ biên lợi nhuận không cao, ngành sắn lại càng thấp. Như APFCO, biên lợi nhuận hợp nhất cũng chỉ dao động trong khoảng 2-4%. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, không còn cách nào khác ngoài việc phải chăm chỉ, tích góp từng chút một,” CEO Trần Ngọc Hải nói.

APFCO có chiến lược dài hạn là tiếp tục nghiên cứu sâu và đầu tư vào công nghệ để mở rộng danh mục tinh bột sắn biến tính. Tinh bột biến tính là tinh bột tự nhiên đã trải qua các quá trình xử lý để thay đổi cấu trúc hóa học hoặc vật lý của nó, nhằm nâng cao tính chất và khả năng sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp.

Ứng dụng và nhu cầu sử dụng tinh bột biến tính trong công nghiệp rất đa dạng. Trong thực phẩm, tinh bột biến tính hỗ trợ làm đặc hoặc ổn định các sản phẩm thực phẩm như giúp định hình sợi mì tôm (chiếm 18-20% nguyên liệu). Trong ngành giấy, tinh bột biến tính giúp tăng độ sáng bề mặt. Ngành xây dựng sử dụng tinh bột này làm bột bả matit, ngành thủy sản dùng để làm thức ăn cho cá, giúp thức ăn bám dính, không tan nhanh gây ô nhiễm. Trong dệt may, tinh bột biến tính làm hồ dệt và định hình sợi vải. Nguyên liệu này cũng được ứng dụng trong polyme sinh học để sản xuất nhựa sinh học, viên nang dược phẩm, đồng thời là thành phần trong dịch truyền, viên thuốc…

Theo chuyên gia Trịnh Khánh Sơn, nhược điểm của sắn không phải là cây lương thực thiết yếu và giá sản xuất rẻ. Ngược lại, tinh bột sắn trở nên cần thiết cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là tinh bột sắn biến tính, vốn đang có nhu cầu lớn trên thị trường.

Tinh bột biến tính có ưu điểm nổi bật như chịu nhiệt và độ ẩm cao hơn tinh bột tự nhiên, đồng thời cải thiện các đặc tính như độ nhớt, khả năng tạo màng và hòa tan. Tuy nhiên, nhược điểm chính của nó là chi phí sản xuất cao do yêu cầu sử dụng hóa chất hoặc phương pháp xử lý đặc biệt. Trung bình, chi phí sản xuất tinh bột sắn biến tính cao hơn tinh bột sắn thông thường khoảng 12-15%. Dù vậy, lợi nhuận mang lại cao hơn đáng kể. Mỗi kí tinh bột sắn biến tính có thể đem lại lợi nhuận cao gấp 2-3 lần tinh bột thường. Dù chỉ chiếm 12% tổng sản lượng, tinh bột sắn biến tính hiện đang đóng góp 20% doanh thu cho APFCO, cho thấy tiềm năng lớn và giá trị gia tăng cao của phân khúc sản phẩm này.

Định hướng đến 2028 của APFCO là hướng đến việc phát triển hơn 100 loại sản phẩm khác nhau và nâng sản lượng tinh bột sắn biến tính lên 140 ngàn tấn/năm so với mức dưới 90 ngàn tấn hiện tại. Thu nhập từ danh mục này sẽ chiếm khoảng 30-35% doanh thu, tùy theo biến động giá cả thị trường.

Bên cạnh tinh bột sắn biến tính, số liệu từ Redsquare Việt Nam cho thấy APFCO dù dẫn đầu về biên lợi nhuận tinh bột sắn nhưng vẫn thấp hơn các công ty đã mở rộng sang nguyên liệu thực phẩm chuyên biệt như AIG, Intermix. Điều này đòi hỏi APFCO phải đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị, trong đó sorbitol là một lựa chọn tiềm năng. Ông Hải cho biết APFCO đang cân nhắc tham gia thị trường này thông qua hợp tác hoặc mua lại một công ty sản xuất sorbitol, nhằm giảm chi phí đầu tư và tận dụng hạ tầng sẵn có để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Sorbitol là thành phần được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm ít đường, thực phẩm chức năng, dược phẩm, vitamin C và mỹ phẩm. Sorbitol có vị ngọt dịu, ít calo, không gây sâu răng. Nhu cầu hợp chất hữu cơ này tại Việt Nam hiện khoảng 60 ngàn tấn/năm và chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Pháp.

Dù đang trong giai đoạn phụ thuộc nhiều vào vốn vay và chịu áp lực tài chính, công ty vẫn tự tin trong kinh doanh vì lịch sử tài chính minh bạch và uy tín ở địa phương, theo tự bạch. Ngược lại, nhiều đối tác, đối thủ trong ngành liên hệ với APFCO để bán lại nhà máy vì thua lỗ. Tuy nhiên, công ty không đặt mục tiêu thâu tóm hay sáp nhập mà chỉ xem xét các cơ hội hợp tác chiến lược, đặc biệt trong việc liên kết với vùng nguyên liệu.

Theo ông Hải, dựa trên nền tảng của những người làm nông nghiệp suốt 30 năm qua, ban lãnh đạo công ty giữ tinh thần cần mẫn và chắc chắn, đặc biệt cẩn trọng trước những ý tưởng đao to búa lớn và kiệm lời về tham vọng tương lai. Các thành viên công ty giống như đàn kiến cần mẫn, kiên trì gom góp từng củ bột sắn, mở rộng từng cánh đồng nguyên liệu, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các nhà máy… CEO Trần Ngọc Hải chia sẻ: “Nghề nông tuy lời ít, suy nghĩ đau đầu suốt ngày, nắng mưa đều lo, nhưng được cái bền vững. Sắn luôn có thị trường và điều kiện để phát triển, miễn là tính toán sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả.”

Theo forbes.baovanhoa.vn (https://forbes.baovanhoa.vn/apfco-kien-tha-lau-day-to)