Bền bỉ cổ súy hoạt động đọc sách ở trẻ em thông qua các hướng dẫn, phương pháp để đưa cha mẹ, người lớn cùng tham gia vào quá trình đọc của trẻ.
“Mỗi lần vào gia đình nào mà thấy dưới ánh đèn, một đầu hoa râm và một đầu xanh cùng cúi trên một trang sách, thì không cần xét điều gì khác nữa, tôi chắc chắn rằng gia đình ấy đang vui vẻ và sẽ thịnh vượng.” Từ năm 1954, nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết như vậy trong cuốn Săn sóc sự học của các con. Internet và các thiết bị thông minh tạo ra hai thái cực: vừa siêu kết nối nhưng cùng lúc cũng làm đứt gãy nhiều mối quan hệ xã hội và gia đình. Trong đó, trẻ em dễ bị điện thoại, máy tính bảng và TV mê hoặc. Các em gặp khó khăn trong giao tiếp, tư duy, diễn đạt và tưởng tượng.
Trong 11 năm qua, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện, hình thành một thói quen cả đời.
Trở về từ Nga sau 17 năm học tập và sinh sống, bà thành lập câu lạc bộ Đọc sách cùng con, trong ngày đầu ra mắt thu hút hơn 200 gia đình đăng ký cho con tham gia. Nhiều cuốn sách trở thành chất xúc tác gắn kết mối quan hệ cha mẹ – con cái, và khơi gợi sự tò mò, ham hiểu biết của con trẻ. Bà trao đổi phương pháp dẫn dắt câu chuyện, đặt vấn đề, và cách “chơi” cùng cuốn sách để lôi cuốn, kích thích trí tò mò cũng như sự hứng thú của của trẻ nhỏ. Cùng các cộng sự, bà tạo ra những không gian để thực hành phương pháp đó của mình. Không gian đọc, chia sẻ cho trẻ tại địa chỉ căn nhà bà được thừa kế từ gia đình, K7 Bách Khoa, Hà Nội luôn mở cửa trong hơn 10 năm qua.
Bà cho rằng: “Chúng ta sẽ không phải vất vả gầy dựng văn hóa đọc như bây giờ mọi người hô hào, lo lắng nếu việc đọc trong nhà trường được xây dựng nương theo cách đọc của một đứa trẻ hồn nhiên: mở rộng vòng tay, ánh mắt, trái tim đón nhận thế giới, đồng thời cũng không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình theo cách của mình. Quá trình đọc cũng là quá trình suy ngẫm, và sách chỉ là cái cớ để chúng ta bắt đầu quá trình ấy mà thôi.”