Các nghiên cứu của bà và phòng thí nghiệm do bà lãnh đạo góp phần ngăn
chặn các đợt dịch bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng như
SARS năm 2003, cúm A/H5N1 và mới đây là COVID-19.
Gần 30 năm kinh nghiệm, công việc của PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai tập
trung vào các bệnh truyền nhiễm mới của virus, dịch tễ học phân tử, miễn
dịch và phát triển vaccine.
Năm 2003 khi dịch SARS
xuất hiện ở Hong Kong, bà
Mai công tác tại phòng xét
nghiệm virus đường hô hấp.
Đây là đơn vị đầu tiên thu
thập, phân lập và xác định
căn nguyên gây dịch viêm
đường hô hấp cấp tính nặng
tại Việt Nam tháng 3.2003
là tác nhân virus lạ. Nhờ vậy,
ngành y tế có thể khống chế
dịch viêm đường hô hấp cấp
nguy hiểm (SARS), phát triển
quy trình thực hành an toàn
sinh học tại Việt Nam. Cũng
nhờ lưu giữ virus SARS-CoV
ở phòng thí nghiệm mà Việt
Nam có thể định dạng virus
COVID-19. Theo bà Mai, Việt
Nam là nước đầu tiên thông
báo với tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) về căn bệnh mới với
triệu chứng viêm phổi không
điển hình, tiến triển nhanh
và lây truyền mạnh với tỉ lệ
tử vong cao. Từ bài học kinh
nghiệm trong công tác phòng
chống dịch SARS năm 2003,
nhóm nghiên cứu tiếp tục trực
tiếp xét nghiệm xác định trường nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 trên người
đầu tiên tại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 12.2003. Những kết quả và
các vật liệu nghiên cứu này đã được phòng thí nghiệm chia sẻ cho các đơn vị
nghiên cứu quốc tế. Sau đó, virus cúm A/H5N1 do phòng thí nghiệm phân lập
đã được WHO lựa chọn là virus dự tuyển để phát triển vaccine phòng chống
cúm A/H5N1. Bà góp phần cải thiện việc kiểm soát và phòng chống sốt xuất
huyết thông qua dự án Giám sát virus sốt xuất huyết quốc gia ngay từ đầu.
PGS.TS Quỳnh Mai là tác giả và đồng tác giả của nhiều bài báo, công
trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín như Nature, tạp chí y học New
England, Lancet. Bà nhận giải thưởng Nữ khoa học trẻ châu Á năm 2009. Tập
thể khoa học nữ do bà lãnh đạo nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.