Flinh là nghệ sĩ trình diễn nổi bật trong lứa nghệ sĩ thị giác đương đại trẻ nhất hiện nay ở Việt Nam.
Cô đã trình diễn tại sự kiện Kỷ niệm Nhà Sàn 20+ (2018, Hà Nội); NIPAF International Performance Festival 2018 (Nhật Bản); Asia Live Performance!Vietnam 2018 (Ba Lan, Đức); triển lãm “Polyphony:Southeast Asia” 2019 (Trung Quốc); Performance Plus 2019 – MoTplus (TP.HCM); Festival “Nổ Cái Bùm” (2020, Huế); Blue Project – Tháng thực hành nghệ thuật MAP, Heritage Space (2020, Hà Nội); Wuwei Performance Series 2020 (Singapore). Giám tuyển Trần Lương nhận xét tác phẩm của Flinh thể hiện sự nữ tính Á Đông và sự tự tin trong đối thoại, khám phá và khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội toàn cầu hóa và tiến trình dân chủ mạnh mẽ.
Flinh từng theo học hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cô quan tâm tới các hoạt động nghệ thuật đương đại ngoài khuôn khổ nhà trường và lần đầu tiếp xúc với nghệ thuật trình diễn tại Workshop IN:ACTcủa nghệ sĩ Seiji Shimoda và Nhà Sàn Collective. Sự kiện tạo ấn tượng mạnh mẽ khiến cô quyết tâm theo đuổi hình thức sáng tạo này. Flinh nói cô thích trình diễn vì tính ngẫu hứng, con người, chân thật đến trần trụi của nó mà không mất đi cái ẩn dụ hay chất thơ của nghệ thuật.
Khi đại dịch COVID bùng phát tại Việt Nam, Flinh cũng như các nghệ sĩ khác vẫn tiếp tục thử nghiệm trình diễn trong studio, tại không gian sống, tương tác với video, các nền tảng mạng xã hội. Flinh đang cùng nghệ sĩ Lem TragNguyen thực hiện dự án “Hay là”, xây dựng nền tảng tập trung vào nghệ thuật trình diễn Việt Nam, với các hoạt động như trò chuyện cùng nghệ sĩ, chia sẻ lưu trữ các tác phẩm trình diễn, phối hợp nghiên cứu và thảo luận chuyên môn cùng các bên. Qua các hoạt động trên, “Hay là” mong muốn có thể đưa nghệ thuật trình diễn đến gần với các bạn trẻ hơn, truyền cảm hứng và kết nối nghệ sĩ với công chúng yêu nghệ thuật.
Flinh nói: “Tôi luôn có cảm giác mình lạc lõng giữa các thế hệ đi trước và sau này, giữa các dòng chảy văn hóa của quá khứ và hiện tại. Tâm trạng lo âu và xa cách luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Tôi từng có suy nghĩ rằng nghệ thuật là chỗ trú chân, là nơi để sáng tạo một thế giới riêng, trốn tránh thực tại. Thế nhưng khi tiếp xúc với nghệ thuật đương đại, đặc biệt là trình diễn, quan niệm đó hoàn toàn bị phá vỡ. Thực hành trình diễn tạo cho tôi một trạng thái gần giống thiền định, như liệu pháp tâm lý, đẩy tôi khỏi giới hạn bản thân, đối mặt và va chạm những vấn đề của đời sống thường ngày.”
– Khổng Loan –
under 30 under 30 under 30 under 30 under 30 under 30 under 30 under 30 under 30 under 30