multi-media / Megastory

Tạp chí Forbes Việt Nam số 107: Nền kinh tế tuần hoàn

Những con số thống kê về lượng rác thải nhựa ở Việt Nam cho thấy sự thật rất đáng lo ngại. Theo bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi tháng, mỗi gia đình Việt Nam sử dụng 1kg túi nilông. Theo hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong 25 năm (1990-2015), số nhựa tiêu thụ ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8kg lên 41 kg/người/năm. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số nhưng theo thống kê của ngân hàng Thế giới đứng thứ tư về số lượng rác thải nhựa ra đại dương.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, thực hiện nhiều cam kết về sản xuất hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến mô hình nền kinh tế tuần hoàn được nhắc đến nhiều hơn. Mới nhất tại hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050 khiến chủ đề kinh tế tuần hoàn càng trở thành vấn đề thời sự.

Số báo số tháng 7 với các câu chuyện ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả và sử dụng ít tài nguyên hơn, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Bước đi nhỏ tạo ra chuyển động lớn

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải của chu trình này được quay trở lại, trở thành nguyên liệu sản xuất cho chu trình khác, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Bên cạnh những câu chuyện nổi bật về các doanh nghiệp như Nestlé, Unilever, Heineken, Vinamit, DEEP C, INSEE, Sợi Thế Kỷ… hướng đến một phần trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn, trong chuyên đề này Forbes Việt Nam giới thiệu những hành động hướng tới nền kinh tế tuần hoàn của một số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Các nỗ lực đáng ghi nhận và nhân rộng từ góc độ vận hành doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả và sử dụng ít tài nguyên hơn, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Các nỗ lực cần nhân rộng từ góc độ vận hành doanh nghiệp hướng đến sự phát triển bền vững, hiệu quả và sử dụng ít tài nguyên hơn, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Hành trình bền vững

Chính thức có mặt từ năm 1995, Nestlé – tập đoàn đồ uống đến từ Thụy Sĩ kinh doanh tại Việt Nam theo triết lý “công ty toàn cầu am hiểu địa phương” hướng đến sự phát triển bền vững.– Giang Thanh

Cam kết lâu bền

Chặng đường 27 năm kinh doanh của Unilever tại Việt Nam tạo ra những tác động tích cực trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng và những nỗ lực bảo vệ môi trường – Giang Thanh

Chu trình xanh

Áp dụng canh tác theo mô hình VAC nhưng ứng dụng thêm công nghệ sinh học, Vinamit đã tái sinh được một vùng đất bạc màu và đang mong muốn xây dựng mô hình tuần hoàn trong các nông trại Minh Tâm

Nung chai dệt sợi

Sợi Thế Kỷ gián tiếp tái sinh khoảng 3,04 tỉ chai nhựa PET, sản xuất hơn 300 triệu chiếc áo thể thao bán trên toàn cầu. – Tạ Hồng Phúc

Thiết lập chuẩn mực mới


Hướng tới tiêu chuẩn xanh để trở nên khác biệt, cung cấp địa điểm đầu tư bền vững và tin cậy cho khách hàng là mục tiêu theo đuổi của nhà đầu tư tổ hợp khu công nghiệp DEEP C. – Tuyết Ân

Xanh hơn mỗi ngày


Heineken Việt Nam kéo dài vòng đời sử dụng nguyên vật liệu theo tầm nhìn “không có tài nguyên nào là vô hạn”. – Minh Tâm


DANH SÁCH


Giàu nhất Nhật Bản


Cuộc chiến ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao, làm tiêu tan hi vọng phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Đồng yen giảm 17% so với đồng đô la Mỹ, kể từ lần gần nhất Forbes tính toán giá trị tài sản vào tháng 4.2021.

Cuộc khủng hoảng lan sang thị trường chứng khoán, với chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm 12% trong cùng thời gian. Vì thế, 50 người giàu nhất Nhật Bản đã chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng của họ giảm gần 1/3 xuống còn 170 tỉ đô la Mỹ.

30 Under 30 châu Á


Là một trong những khu vực đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thể nói là nơi cuối cùng xuất hiện làn sóng bùng phát đại dịch, khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải chống chọi với những thách thức khá lớn trong năm qua.

Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản các doanh nhân trẻ trong khu vực thử nghiệm những ý tưởng mới, tạo dựng thành công và một vài người trong số họ đã khởi nghiệp kinh doanh riêng, bất chấp những thách thức.


Đón đọc những bài viết không thể bỏ qua trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 107